TP.HCM lần đầu đấu giá 'đất vàng' Thủ Thiêm

Đình Phú
Đình Phú
01/05/2018 13:12 GMT+7

Các lô đất ký hiệu từ 1.1 đến 1.10 khu chức năng số 1 - vùng lõi trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) rộng 78.000 m2 đang được TP.HCM xúc tiến thủ tục đấu giá.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa chấp thuận đề xuất của Ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) về phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất toàn bộ 9 lô đất khu chức năng số 1 - vùng lõi trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ông Nguyễn Thành Phong giao Ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm phối hợp Sở TN-MT cùng các sở ngành và đơn vị liên quan tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thực hiện việc đấu giá theo đúng quy định pháp luật hiện hành; đồng thời trình dự thảo văn bản của UBND TP báo cáo Thường trực Thành ủy thông qua kế hoạch đấu giá quyền sử dụng 9 lô đất nêu trên trước khi triển khai thực hiện.
Khu chức năng số 1 với 9 lô “đất vàng” rộng 78.000 m2, theo quy hoạch là vùng lõi khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó 6 lô được quy hoạch là khu dân cư đa chức năng, còn lại là đất thương mại, dịch vụ đa chức năng; đã được giải phóng mặt bằng nhưng chưa có hạ tầng kỹ thuật và đường giao thông kết nối. Ước tính sơ bộ tổng mức đầu tư khu chức năng số 1 khoảng 27.000 tỉ đồng, bao gồm chi phí đầu tư, tiền sử dụng đất, chi phí hạ tầng kỹ thuật…
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1996, định hướng trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ và phát triển đô thị mới mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Khu chức năng số 1 là vùng lõi của đô thị mới Thủ Thiêm, được bố trí Quảng trường trung tâm hiện đại, Đại lộ vòng cung với các tòa tháp mật độ cao, cùng nhiều công trình điểm nhấn: Trung tâm hội nghị triển lãm; nhà hát giao hưởng và trung tâm thông tin quy hoạch, hồ sinh thái...
UBND TP.HCM cho biết tính đến thời điểm hiện nay, tổng nguồn vốn đã đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, chi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và chi trả các khoản lãi vay hơn 29.000 tỉ đồng, từ các nguồn vốn ngân sách thành phố, nguồn tiền khai thác quỹ đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, tiền thu từ bố trí quỹ nhà, đất tái định cư và vốn vay thương mại từ các tổ chức tín dụng.
Để đầu tư xây dựng dự án quy mô này, TP.HCM đã mất hơn 10 năm giải phóng mặt bằng với khoảng 15.000 hộ dân thuộc diện di dời, tái định cư. Hiện TP.HCM vẫn phải đối mặt áp lực trả nợ gốc và lãi vay với hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, với việc chấp thuận phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất toàn bộ 9 lô đất ký hiệu từ 1.1 đến 1.10 khu chức năng số 1 - vùng lõi trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm, đây được xem là lần đầu tiên TP.HCM công khai đấu giá “đất vàng” ở Thủ Thiêm.
Thực tế thời gian qua, nhiều khu đất rộng lớn ở Thủ Thiêm được giao chỉ định cho nhà đầu tư theo kiểu “đổi đất lấy hạ tầng”. Đơn cử, trong năm 2015, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án lựa chọn (theo hình thức chỉ định) nhà đầu tư thực hiện dự án tại khu chức năng 2a rộng hơn 16 ha trong khu đô thị mới Thủ Thiêm nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và sớm hình thành khu trung tâm tài chính - ngân hàng, thương mại, dịch vụ tại Thủ Thiêm.
Về lý do xin Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án lựa chọn nhà đầu tư (liên danh gồm bốn công ty con của Tập đoàn Lotte và ba công ty Nhật Bản) thực hiện dự án theo quy định của luật Đấu thầu, UBND thành phố cho biết đây là khu vực khó kêu gọi đầu tư và cho đến nay vẫn chưa có dự án nào được triển khai đầu tư xây dựng tại đây. Một số nhà đầu tư quan tâm thì luôn đề nghị thay đổi, điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt tại khu vực này.
Hiện UBND TP.HCM cũng đã chấp thuận cho Tập đoàn Lotte được tự bỏ chi phí để thực hiện nghiên cứu dự án xây dựng khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City) tại khu chức năng 2a, trong đó xác định tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 2 tỉ USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.