Tranh chấp biên giới Trung - Ấn đe dọa 'Con đường tơ lụa mới'

02/08/2017 19:00 GMT+7

Cuộc đối đầu ngay dưới chân dãy Himalaya không chỉ gây căng thẳng chính trị cho hai 'gã khổng lồ' châu Á, mà còn đe dọa kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng và thương mại toàn cầu của Bắc Kinh.

Theo South China Morning Post, quân đội Trung - Ấn đã kìm giữ nhau suốt 40 ngày tại vùng cao nguyên Doklam, khu vực ngã ba biên giới giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. Sự việc bắt nguồn kể từ đầu tháng 6.2017 khi quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) lợi dụng đêm tối đưa lực lượng và công cụ vào Doklam để xây một con đường xuyên qua cao nguyên. Trước tình hình này, Bhutan lên tiếng tuyên bố Đại lục đã vi phạm thỏa thuận không thay đổi hiện trạng giữa hai nước được ký vào năm 1988, đồng thời kêu gọi Ấn Độ vào cuộc. Kể từ đó đến nay, căng thẳng vẫn chưa ''hạ nhiệt'' dưới chân dãy Himalaya.
Chuyên gia quân sự Macau, ông Antony Wong Dong, cảnh báo rằng những động thái chính trị cứng rắn từ phía Bắc Kinh đang đẩy New Delhi đi xa hơn và nhiều khả năng sẽ làm cho quốc gia Nam Á trở thành một kẻ thù lớn của Trung Quốc.

tin liên quan

Tranh chấp tay ba ở Himalaya
Vương quốc nhỏ bé Bhutan giữ vị trí chiến lược trong cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya.
“Trung Quốc đang chơi chiến tranh tâm lý. Nhưng họ cần nhận ra rằng ngay cả khi họ đánh bại Ấn Độ trong cuộc chiến trên đất liền, thì PLA vẫn không thể nào phá vỡ được sức mạnh hải quân của Ấn Độ”, ông Antony Wong Dong nói, đồng thời chỉ ra tầm quan trọng của vùng biển Ấn Độ trong đường dây thương mại của Đại lục.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu. Theo số liệu của các cơ quan truyền thông nhà nước, hơn 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca.
“Ấn Độ chưa bao giờ phải chịu đựng chiến lược “Cây gậy và Củ cà rốt” của Trung Quốc, một kiểu chính sách ngoại giao trong quan hệ quốc tế, thường được dùng bởi các nước lớn nhằm thay đổi hành vi của các nước nhỏ. Hơn nữa, vì Ấn Độ có vị trí địa lý chiến lược nằm ở trung tâm đường dây năng lượng và sáng kiến “Một vành đai - một con đường”, nên bất kỳ động thái leo thang quân sự nào từ phía Bắc Kinh đều có thể làm hỏng kế hoạch thương mại toàn cầu của họ”, Sun Shihai, cố vấn của Hiệp Hội Trung Quốc về Nghiên cứu Nam Á, cho hay.
Theo chuyên gia Sun Shihai, Ấn Độ là một trong những đối tác chiến lược quan trọng nhất của “Con đường tơ lụa mới”. Trung Quốc nhiều lần cố gắng thu hút nước láng giềng tham gia vào dự án này, nhưng Ấn Độ đã thẳng thừng từ chối.
Theo Business Insider, quốc gia Nam Á rất quan tâm đến việc nâng cao năng lực hải quân, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm. Vào tháng 7.2017, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã hoàn thành cuộc tập trận hải quân Malabar tại Vịnh Bengal. Cũng trong thời điểm đó, Mỹ đã phê duyệt về việc bán máy bay vận tải quân sự có giá 365 triệu USD và một hợp đồng quân sự trị giá 2 tỉ USD với New Delhi. Tất cả những điều này đều là lời cảnh báo gửi đến Trung Quốc. Song, sau một thời gian đóng quân ở Doklam, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, cũng đã gửi tới Ấn Độ một tuyên bố mạnh mẽ rằng, Trung Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền của mình bằng mọi giá.
“Cách tiếp cận của Bắc Kinh đang làm phức tạp thêm vấn đề. Nếu tiếp tục hành động theo hướng hiện tại, thì một số dự án đường sắt cao tốc trong sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc sẽ phải hoãn lại hoặc bị loại bỏ. Và nhiều khả năng là Ấn Độ sẽ không rút lại lời từ chối tham dự vào kế hoạch thương mại lớn của Trung Quốc”, tiến sĩ Rajeev Chaturvedy, một cộng sự nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học quốc gia Singapore, nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.