Tự tạo cơ hội: Dễ như nuôi chồn hương

04/07/2016 07:00 GMT+7

Ông Liêu Thành Thuận (47 tuổi, ngụ khóm 8, P.7, TP.Trà Vinh, Trà Vinh) có thu nhập ổn định nhờ nuôi chồn hương.

Đến tham quan khu nuôi chồn hương của gia đình ông Thuận nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì giữa nơi đất chật, người đông lại xây dựng được mô hình nuôi chồn khép kín, tạo nguồn thu nhập cao và ổn định. Khu vực chuồng nuôi hương nằm phía sau căn nhà được ông Thuận thiết kế thoáng mát. Ông Thuận kể hơn 4 năm trước, sau khi tháp tùng Hội Nông dân P.7 đi tham quan các mô hình làm ăn trong và ngoài tỉnh về ông quyết định chọn chồn hương làm vật nuôi chính để cải thiện kinh tế gia đình. “Lúc đó, tôi dùng 12 triệu đồng tích góp của gia đình ra tận Bình Dương mua 2 cặp chồn hương về làm giống. Gần 1 năm sau chúng sinh sản được 4 chồn con, tôi để lại làm giống để nhân rộng đàn”, ông Thuận nói.
Theo ông Thuận, chồn hương dễ nuôi, không cần diện tích đất lớn, thức ăn đơn giản. Sau vài lứa chồn sinh sản, ông Thuận đã nắm vững kỹ thuật nuôi nên dành 40 m2 phía sau nhà để làm chuồng. Cứ thế, sau khi bán được vài lứa chồn con, chồn thịt ông có vốn cộng với 15 triệu đồng mượn từ Quỹ hỗ trợ nông dân tiếp tục mua thêm giống về nuôi để tăng nhanh số lượng đàn. Hằng ngày ông cho chồn ăn chuối chín, cháo. Thỉnh thoảng thì mua thêm đầu gà, vịt, cá nấu chín cho chồn ăn để lớn nhanh.
Ông Thuận cho biết chồn hương là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt, hôi hám. Trong quá trình nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh, thay nước uống thường xuyên, định kỳ mỗi tháng xổ giun cho chồn một lần để chồn háu ăn, mau lớn. Vào mùa nắng nóng phải thường xuyên tưới nước làm mát mái chuồng trại. Ngoài ra, chồn hương rất thích bóng tối và thường hay ăn vào ban đêm. Do đó, nếu chuồng sáng quá thì chồn sẽ bị đau mắt. Chồn nuôi vẫn giữ bản tính hoang dã rất dữ, nếu nuôi chung thường cắn nhau đến chết, nên phải thiết kế những ô chuồng nhỏ để nuôi mỗi con một ô. “Có một vấn đề quan trọng trong quá trình nuôi chồn là chồn ăn nhiều loại thức ăn nên phải chú ý bảo đảm cho hệ thống tiêu hóa luôn ổn định mới không bệnh, lớn nhanh. Do đó, tôi thường xuyên cho chồn sử dụng men tiêu hóa để cho hệ thống tiêu hóa chúng mạnh, ăn nhiều và mau lớn. Trong quá trình nuôi cần theo dõi thời điểm chồn lên giống để tiến hành phối giống làm sao bảo đảm mỗi lần phối đều đạt giúp chúng sinh sản liên tục sẽ cho hiệu quả kinh tế cao”, ông Thuận nói.
Ông Thuận cho biết chi phí các khoản như thức ăn, công chăm sóc mỗi con chồn khoảng 120.000 đồng/tháng (chưa kể con giống). Sau 5 tháng nuôi, chồn nặng từ 3,5 - 4 kg/con và có thể xuất bán với giá từ
1,2 - 1,5 triệu đồng/kg, như vậy mỗi con lời khoảng 3 triệu đồng. Thời gian qua, mỗi năm ông Thuận còn xuất bán khoảng 5 - 6 cặp chồn giống với giá 6 triệu đồng/cặp, đồng thời xuất bán khoảng 50 con chồn thịt, thu về trên 150 triệu đồng. Tuy nhiên theo ông Thuận, người nuôi không nên tham, chồn thịt tới lứa cứ xuất chuồng, nếu để quá lớn sẽ rất khó bán vì người mua… ngán tiền.
Điểm nuôi chồn hương của ông Thuận đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trà Vinh cấp phép đồng thời ông cũng lập sổ theo dõi gây nuôi động vật rừng thông thường rất chặt chẽ. “Nếu so với làm lúa, nuôi bò thì nuôi chồn hương dễ nhưng lời hơn rất nhiều lần, đầu ra cũng ổn định vì thương lái tìm đến tận nơi thu mua. Đặc biệt mô hình này không cần có diện tích đất lớn cũng có thể nuôi được. Do đó, tôi dự định tiếp tục mở rộng quy mô để có thu nhập nhiều hơn”, ông Thuận nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.