'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc là rủi ro hệ thống tài chính quốc tế

25/08/2017 14:40 GMT+7

Mặc cho nhiều lời hứa tốt đẹp về cơ sở hạ tầng, thương mại và ngoại giao toàn cầu, dự án 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc cũng đi kèm nhiều rủi ro, trong đó có rủi ro về mặt tài chính.

Theo CNBC, Trung Quốc cho hay sáng kiến cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” của nước này là phương tiện để thúc đẩy sự thịnh vượng về mặt kinh tế, các mối quan hệ ngoại giao trên quy mô toàn cầu. Tuyên bố trên có thể được lòng nhiều nước ở thời điểm mà các cường quốc khác đang ngày càng nghiêng về hướng bảo hộ, song cũng đi kèm không ít rủi ro. Việc nhà nước tài trợ ngày càng nhiều làm dấy lên mối lo ngại về độ an toàn của dự án.
Nhiều bài báo hôm 23.8 cho hay một số ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất Trung Quốc sẽ bắt đầu huy động vốn để đầu tư vào dự án vốn đặt mục tiêu kết nối hơn 60 quốc gia trên khắp châu Á, châu Âu và châu Phi bằng cơ sở hạ tầng vật lý và kỹ thuật số.
Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), nhà băng lớn thứ hai Đại lục xét theo giá trị tài sản, huy động ít nhất 100 tỉ nhân dân tệ, tương đương 15 tỉ USD, từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, theo Reuters. Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) cũng cho biết sẽ huy động hàng chục tỉ USD.
Thông tin này làm nóng rủi ro cho rằng chính quyền Trung Quốc có thể cõng hàng trăm tỉ USD nợ xấu nếu dự án thất bại. Giáo sư kinh tế Xu Chenggang tại Trường Kinh doanh Cheung Kong ở Bắc Kinh cho biết điều này, nếu có, sẽ không gây ngạc nhiên.
Ông Xu cho hay: “Đây cũng là mối lo của tôi. Ảnh hưởng không chỉ là Trung Quốc bị tổn hại mà hệ thống tài chính toàn cầu cũng bị tổn thương. Các khoản vay này đang được mở rộng cho nhiều chính phủ ở các nước đầy rủi ro để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng cũng đầy rủi ro. Nếu các dự án được doanh nghiệp tư nhân đảm trách, chúng ta không phải lo vì họ biết họ phải gánh được hậu quả. Song chúng ta đang nói về việc cho vay từ giữa các chính phủ và cuối cùng là quan hệ liên chính phủ”.
Ông Xu cho biết vấn đề này là hiện tượng có tên hạn chế ngân sách mềm. Hạn chế ngân sách mềm nhắc đến chuyện các doanh nghiệp quốc doanh sẽ không bị phá sản nếu không có khả năng thanh toán vì nhà nước có lợi nếu giữ các doanh nghiệp này sống khỏe. Một nước có mức hạn chế ngân sách mềm cao và nhiều doanh nghiệp không có khả năng chi trả có thể gặp khó trong việc tài trợ tài chính. Điều này có thể tác động lên tài chính thế giới.
Với Trung Quốc, một nước có mức sở hữu nhà nước cao, điều này đặc biệt đáng lo. Phải mất hàng thập niên cải cách kinh tế và nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thất bại thì Đại lục mới tiến đến “quá trình tư nhân hóa phần nào” vào đầu thế kỷ 21. Dù vậy, quá trình tư nhân hóa mất đà 10 năm qua và Trung Quốc hiện vẫn gánh vấn đề dư thừa công suất cùng vô số doanh nghiệp xác sống, đặc biệt là trong ngành sản xuất kim loại, nguyên liệu và xây dựng.
Theo ông Xu, đây là một phần động lực của dự án “Vành đai và Con đường”: “Thay vì giải quyết chuyện dư công suất, họ mở rộng vấn đề ra các dự án ngoại quốc. Trung Quốc đề xuất cho vay đến các chính phủ nước ngoài, những nước sẽ dùng tiền Trung Quốc để trả cho công ty Trung Quốc”. Theo Viện Tài chính Quốc tế, tỷ lệ nợ trên GDP Trung Quốc vượt 300% hồi tháng 6, từ trước khi nước này cho vay thêm.
Ngoài ra, chuyên gia Xu cho hay cần lưu ý rằng nhiều nước gắn liền với sáng kiến “Vành đai và Con đường” là các nước đang phát triển có mức rủi ro cao nhất thế giới. một số cơ quan nghiên cứu đang đánh giá môi trường chính trị, kinh tế và kinh doanh ở các quốc gia này.
Phó chủ tịch Bjorn Conrad của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator cho hay: “Tôi chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều dự án gặp vấn đề không lường trước. Có rủi ro lớn về tín dụng xấu trong nhiều dự án này và rủi ro lớn về vỡ nợ. Rủi ro với hệ thống ngân hàng Trung Quốc là rủi ro với hệ thống ngân hàng toàn cầu”. Dù vậy, ông Conrad cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ rất nỗ lực đánh giá rủi ro sau khi tổn thất nhiều từ việc cho các nước bất ổn, chặng hạn như Venezuela, vay tiền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.