Vì sao dân Trung Quốc lạc quan về nền kinh tế?

19/09/2017 15:38 GMT+7

Bài viết dưới đây là nhận định của nhà báo Christopher Balding về tâm lý của người Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế nước nhà phải chịu áp lực vốn thoái và nợ gia tăng.

Nếu bạn chỉ đọc tiêu đề trên báo, bạn có thể sẽ bi quan về kinh tế Trung Quốc. Tin tức về nước này gần đây bị chi phối bởi các nội dung như động thái kiềm chế dòng vốn thoái, mối lo về núi nợ tăng và nỗ lực kiềm chế các khoản đầu tư mạo hiểm ở nước ngoài.
Dù vậy, người dân Trung Quốc lại rất lạc quan. Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng của Đại lục đạt 114,6 điểm trong tháng 7, mức cao chưa từng thấy từ năm 1996. Đây là phản ứng hợp lý trước nhiều cải thiện trong nền kinh tế Trung Quốc. Với chính phủ Trung Quốc, đây là cơ hội quan trọng để cải cách.
Dân Trung Quốc có lý do để tự tin. Đơn cử, tỷ lệ thất nghiệp chính thức vừa hạ xuống dưới 4%. Giá bất động sản vẫn đang tăng, và tăng mạnh hơn ở những đô thị loại hai và ba. Thị trường chứng khoán Thâm Quyến, Thượng Hải đều tăng khoảng 9% trong năm nay. Dự trữ ngoại hối cũng tăng. Nhân dân tệ thì mạnh lên đến nỗi ngân hàng trung ương tạo điều kiện cho các nhà giao dịch lướt sóng. Ngay cả số liệu về nợ xấu cũng ổn định.
Không có gì ngạc nhiên nếu sự tự tin của Trung Quốc đi lên trong tương lai. Theo Cục Thống kê Quốc gia nước này, Chỉ số Kỳ vọng Người tiêu dùng đạt 117,4 điểm trong tháng 7, mức cao nhất từ năm 1993. Các chỉ số đo lường niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán và chuyên gia kinh tế cũng tăng mạnh nhờ thị trường lao động tươi sáng, tăng trưởng nhanh và giá trị tài sản lên cao.
Dù các số liệu này đôi khi thiếu chính xác, chúng vẫn rất quan trọng vì niềm tin có thể tự cải thiện. Miễn là các nhà đầu tư Trung Quốc có niềm tin vào một thị trường hay một loại tài sản, giá cả của nó có thể khác với các nguyên tắc cơ bản trong một thời gian dài. Điều này thể hiện rất rõ trong giá cả bất động sản, vốn không tăng vì nguyên tắc cơ bản về thu nhập mà vì người mua tự tin rằng giá cả sẽ tiếp đà đi lên 10% mỗi năm. Tương tự, dù hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang trong tình trạng xấu, chính phủ vẫn kéo niềm tin đi lên bằng cách phủ nhận tin đồn và trấn an người gửi tiền.
Niềm tin là yếu tố dễ thay đổi và có nhiều lý do cho thấy rằng thời điểm tốt đẹp sẽ không kéo dài. Nhiều vấn đề cơ bản của Đại lục vẫn chưa biến mất. Dư thừa công suất vẫn còn trong bối cảnh có ít dấu hiệu cho thấy rằng các doanh nghiệp sẽ sa thải hoặc thực hiện tái cấu trúc cần thiết. Nỗ lực cải cách doanh nghiệp quốc doanh dường như bị đình trệ. Các khoản vay xấu có thể ổn định lúc này, song không thể phủ nhận rằng vẫn còn nhiều rủi ro nghiêm trọng đang chất cao trong nền kinh tế. Khi giá bất động sản ở các thành phố lớn đi vào top cao nhất thế giới, chuyện kiềm chế tín dụng đang trở nên ngày càng cấp bách.
Niềm tin người tiêu dùng giúp chính phủ phần nào giải quyết những vấn đề trên. Chẳng hạn, việc cắt giảm công suất, qua đó cắt giảm công ăn việc làm, sẽ ít đau đớn hơn nếu các công nhân ngành than và thép lạc quan rằng họ có thể tìm được việc làm mới. Việc thu nhỏ doanh nghiệp quốc doanh sẽ dễ dàng hơn nếu giới chức tự tin rằng khu vực tư nhân có thể gánh vác trọng trách.
Dù thế nào, Trung Quốc cũng cần thực hiện nhiều thay đổi chính sách khó khăn để làm chậm hoặc đảo ngược sự mất cân bằng trong nền kinh tế. Họ tốt hơn hết là nên bắt đầu ngay từ bây giờ, khi người dân đang tự tin về những điểm tích cực trong nền kinh tế.

tin liên quan

Kinh tế Trung Quốc cần thêm người nước ngoài
Cây bút Christopher Balding cho rằng kinh tế Trung Quốc hiện rất cần mở cửa, chào đón người nước ngoài để tiếp tục phát triển trong bài viết mới đăng trên chuyên mục Bloomberg View.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.