Xâm nhập 'mỏ' đào tiền ảo

Thanh Xuân
Thanh Xuân
12/04/2018 10:22 GMT+7

Trong cơn lốc tiền ảo đang gây rúng động dư luận với vụ Công ty CP Modern Tech bị tố lừa đảo hàng chục ngàn nhà đầu tư với số tiền lên đến 15.000 tỉ đồng, còn có hình thức kêu gọi đầu tư 'máy đào tiền ảo' mà thực chất cũng là một dạng huy động vốn trái phép, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Trong vai nhà đầu tư (NĐT), PV Thanh Niên đã có dịp vào tận một “mỏ đào” tiền ảo của Công ty Sky mining đặt tại TP.HCM. Tại đây có khoảng 400 máy đào các tiền ảo (coin) đang hoạt động, chưa tính khoảng 100 máy đang còn đóng thùng chưa được lắp đặt lên kệ.
Lời 300% !
Đây thực chất là hình thức núp bóng lấy các máy đào ra để che đậy việc huy động vốn lãi suất cao, phát triển mạng lưới theo hình thức chi hoa hồng theo kim tự tháp
Chuyên gia Phan Dũng Khánh
Diện tích của “mỏ” đào này khoảng 150 m2, được trang bị 2 dàn khung để máy cũng như các thiết bị làm lạnh, quạt gió làm mát máy. Các máy chạy liên tục phát ra tiếng ồn rất lớn, đứng cách xa 20 - 30 m vẫn nghe ầm ầm.
Người của Công ty Sky mining giới thiệu với chúng tôi hình thức đầu tư Sky mining "khác rất nhiều so với các loại hình thức đầu tư như iFan bởi Sky mining có vật bảo chứng là máy đào". Theo đó, NĐT mua máy đào của Công ty Sky mining có giá 5.000 USD, có thể mang máy về nhà hay ký gửi ở một trong 20 mỏ đào của công ty hiện nay trên cả nước. "Gửi máy tại công ty có lợi vì tiền điện theo giá kinh doanh chỉ hơn 2.000 đồng/kWh, trong khi giá điện gia đình cao hơn nên mang máy tại nhà không có lợi", người này quảng cáo và nhấn mạnh "NĐT sẽ thu được khoản lợi nhuận 300% trong khoảng thời gian ngắn nếu mua máy đào ở chúng tôi".
Mức lời khủng này được thuyết minh khá kỹ tại trang web công ty này. Cụ thể, với gói đầu tư thấp nhất là 5.000 USD, NĐT sẽ lĩnh tiền lãi 40 - 50 USD/ngày, 1.500 USD/tháng, thời gian thu hồi vốn là 3 - 4 tháng. Sau đó, NĐT cứ “rung đùi” nhận lãi và khi mức lãi đạt 15.000 USD, tức 300% vốn đầu tư thì hợp đồng kết thúc, công ty sẽ thu hồi lại máy đào. Trong trường hợp số tiền đầu tư ít hơn 5.000 USD, NĐT vẫn nhận được lợi nhuận 300% trong chu kỳ đầu tư nhưng không được ký hợp đồng có máy mà số tiền này sẽ được ghép với một NĐT khác để cho đủ gói 5.000 USD. “Số tiền đầu tư gói càng cao thì thời gian thu hồi vốn càng nhanh. Có một khách đầu tư 100 máy, khoảng 500.000 USD thì khoảng 2,5 tháng là đã thu hồi vốn”, nhân viên Sky mining quảng cáo.
Để củng cố lòng tin cho khách, nhân viên này nói thêm: “Sở dĩ chúng tôi đưa NĐT đến các mỏ đào để thấy việc đầu tư có bảo chứng là máy móc thiết bị, họ sẽ yên tâm hơn. 6 tháng qua, giá các đồng tiền ảo trên thị trường liên tục sụt giảm mạnh ảnh hưởng hầu hết các loại hình đầu tư theo dạng ủy thác lãi suất cao như Bitcoinnect, iFan… Thế nhưng Sky mining đã sống tốt và hầu như không ảnh hưởng. Giá Bitcoin có giảm xuống 4.700 USD/Bitcoin thì hình thức đầu tư này mới huề vốn. Đó là lý do vì sao nhiều NĐT, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia vào công ty nhiều như vậy. Công ty đã phát triển được 20 mỏ đào chỉ trong vòng 6 tháng hoạt động”. Trong quá trình trao đổi với chúng tôi, nhân viên này không ngừng nghe điện thoại trao đổi việc lắp đặt 100 máy đào coin cho một khách hàng nào đó.
Máy đào cũng đa cấp
Sau khi hệ thống đa cấp đào tiền ảo iFan sụp đổ, nhóm NĐT phát hiện ra Lê Ngọc Tuấn, một trong những người sáng lập iFan, xuất hiện tại sự kiện Asama vừa ra mắt cuối tháng 3 tại TP.HCM. Asama cũng kinh doanh máy đào coin, với “mỏ” được giới thiệu đặt tại một khu công nghệ tại TP.HCM, lợi nhuận chia theo ngày từ 0,4 - 2,5% tùy vào gói đầu tư. Chẳng hạn gói 500 USD nhận từ 2 - 5 USD/ngày, gói 1.000 USD nhận 5 - 12 USD/ngày… Gói cao nhất là 10.000 USD sẽ nhận 90 - 250 USD/ngày. Theo giới thiệu, chủ tịch Asama từng làm tại Sky mining nên mô hình này cũng được “nhân bản” như Sky mining là khi NĐT nhận lãi 300% thì kết thúc chu kỳ đầu tư. Ngoài mức lợi nhuận cao, Sky mining và Asama đều vận dụng phương thức chi hoa hồng đa cấp để phát triển mạng lưới. Chẳng hạn mức chi hoa hồng của Asama từ 1 - 3% tùy theo cấp.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, các “mỏ đào” ngày càng mọc nhiều hơn, tỷ lệ thuận với số lượng các máy đào coin nhập khẩu vào VN. Nếu trong 10 tháng đầu năm 2017, số lượng máy nhập về TP.HCM khoảng 1.500 thì chỉ 20 ngày đầu tháng 1 đã lên 8.000 máy. Theo số liệu Cục Hải quan TP.HCM, giá trị khai báo 8.000 máy đào tiền ảo là 12,3 triệu USD (khoảng 280 tỉ đồng), tính ra mỗi máy nhập khoảng 35 triệu đồng. Thế nhưng, các công ty đào tiền ảo đưa ra giá 5.000 USD/máy. NĐT mua máy, sẽ quy đổi theo tỷ giá giao dịch nội bộ của công ty này vào khoảng 24.000 - 25.000 đồng/USD, tương đương 120 - 125 triệu đồng/máy. Chỉ riêng tiền máy, NĐT đã bị “chặt chém” hơn 3 lần.
Chuyên gia Phan Dũng Khánh nhận xét, với mức chi trả cố định một khoản lãi hằng ngày trong khi giá coin biến động từng ngày, từng giờ là chuyện không bình thường. “Đây thực chất là hình thức núp bóng lấy các máy đào ra để che đậy việc huy động vốn lãi suất cao, phát triển mạng lưới theo hình thức chi hoa hồng theo kim tự tháp”, ông Khánh nhận xét và cho biết, qua tìm hiểu của ông, rất nhiều người mua máy đào tiền ảo thời gian qua hiện nay gần như “trùm mền” máy vì không tìm được lợi nhuận. “Vậy các công ty này lấy đâu lợi nhuận trả cho NĐT. Đó là điều các NĐT phải hết sức thận trọng khi tham gia các hình thức máy đào này, vì nó không khác gì so với hình thức ủy thác đầu tư tiền ảo đang đổ vỡ hiện nay”, ông Khánh khuyến cáo.
Việc “đào” tiền ảo thực chất là tham gia giải mã một chuỗi khối (blockchain) - mà hiểu đơn giản là đóng vai trò như một cơ sở dữ liệu mã hóa và mở rộng theo thời gian nhằm đáp ứng cho một nhu cầu nào đó như dữ liệu thanh toán, dữ liệu nghiên cứu y học hay thậm chí là để hình thành một loại tiền tệ giao dịch… với tính bảo mật cao. Tùy vào từng blockchain, người tham gia giải mã - “thợ đào” - khi đạt một kết quả nào đó sẽ được “trả công” bằng “tiền ảo”, chứng nhận đóng góp cho blockchain đó.
Hồi giữa tháng 3, kênh CNBC (Mỹ) dẫn lời ông Thomas Lee, đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Công ty Fundstrat (Mỹ) chuyên tư vấn đầu tư, đã ước tính chi phí đào Bitcoin (đầu tư máy móc, chi phí điện năng…) khi đó vào khoảng 8.000 USD/coin. (Hoàng Đình)
Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động liên quan tiền ảo
* Yêu cầu 6 bộ, ngành xử lý vụ lừa tiền ảo hơn 15.000 tỉ đồng
Ngày 11.4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý hoạt động liên quan tới Bitcoin, tiền ảo. Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo, cũng như nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm. Hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.
Để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định của pháp luật. NHNN phối hợp với Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật. Bộ Tài chính chỉ đạo các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền; nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo.
Cũng trong ngày 11.4, Văn phòng Chính phủ phát đi công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành xử lý vụ lừa tiền ảo hơn 15.000 tỉ đồng. Theo đó, Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, NHNN theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc theo thẩm quyền. Đối với các nội dung vượt thẩm quyền, các bộ, ngành trên đề xuất biện pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20.4.
Cùng ngày, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm chỉ đạo Công an TP phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm tra, xác minh sự vụ một nhóm nhà đầu tư tố đường dây kinh doanh tiền ảo do Công ty CP Modern Tech tổ chức, lừa 15.000 tỉ đồng; khẩn trương báo cáo đề xuất hướng xử lý trình UBND TP.
Thanh Niên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.