Kinh hoàng hành trình rời Lybia

06/03/2011 20:15 GMT+7

(TNO) Ngày tranh thủ chợp mắt, đêm đến cầm sẵn vali chạy trốn tiếng súng. Có những đêm nằm ngủ giữa cái đói, cái rét run người trong sa mạc. “Nếu ai chưa chứng kiến cảnh chạy nạn thì không thể nào có thể tưởng tượng được”.

Hồi ức

“Ngày 22.2, trại Tajura (văn phòng nơi công ty chúng tôi làm việc nằm cách thủ đô Tripoli khoảng 30km) bị một đám người đốt cháy rụi. Chẳng còn gì trong văn phòng. Một số kẻ cơ hội đã cướp bóc và lấy đi phần lớn máy móc.

Nơi chúng tôi từng ăn ở, sinh hoạt nhiều tháng trước khi xảy ra cuộc bạo động tại Lybia đã thành tro bụi. Súng bắn khắp quanh trại…

Đêm 24.2, đoàn biểu tình đến ngay cửa công ty chúng tôi. Tại đây, xảy ra cuộc đọ súng giữa một đám người biểu tình với với quân đội.


Những căn lều như trong ảnh được dựng đầy dọc biên giới Lybia - Tunisia - Ảnh do lao động VN tại Libya cung cấp

Ngày 1.3, từ Tripoli, chúng tôi di chuyển mất một đêm mới đến được biên giới nước láng giềng Tunisia (nằm giáp Lybia phía tây - PV). Từ đây, chúng tôi được ông chủ công ty (Đức) thuê khách sạn cho nghỉ ngơi hai ngày.

Từ Tunisia, chúng tôi đáp chuyến bay đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và tiếp tục cuộc hành trình đến Bangkok (Thái Lan) vào 11 giờ đêm 5.3. Chúng tôi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào khoảng 14 giờ 30 ngày 6.3”.

Bằng giọng đều đều, anh Nguyễn Đình Ba (30 tuổi, quê Nam Đàn, Nghệ An), cha của hai đứa con 3 tuổi và 1 tuổi kể lại cho chúng tôi nghe như thể những dòng chữ nhảy múa ấy đã in sẵn trong đầu anh. 

“Có qua Lybia. Tận mắt chứng kiến cảnh hỗn loạn và chạy loạn giữa tiếng súng, tiếng hò hét thì không thể nào quên được”, anh Ba kể.


Ở biên giới Lybia - Tunisia, đông nhất là người tị nạn từ VN, Bangladesh, Ấn Độ... - Ảnh do lao động VN tại Libya cung cấp

Anh Ba thuộc vào những người may mắn. Nhiều đồng hương của anh đã bị cướp sạch quần áo, tiền bạc, điện thoại di động. Có người lạc mất đoàn không biết lưu lạc chốn nào.

“Về đến TP.HCM, gọi điện về nhà, mọi người nói không cần gì tiền. Nghe tiếng nói ở VN là cảm thấy hạnh phúc, nhất là vợ”, anh Ba xúc động.

Phập phồng đêm sa mạc

Anh Nguyễn Văn Thắng (29 tuổi, quê Quảng Trị) nói, có mặt ở Tunisia và Lybia những ngày qua mới thấy kinh hoàng như thế nào.

Tại biên giới Lybia - Tunisia, người lao động các nước di tản về đây ước tính lên đến con số hàng triệu người.

Trại tị nạn trải dài trên hàng chục héc-ta. Một số trại làm bằng bạt nhưng một số người phải trải chăn nằm nghỉ giữa cát bụi gió rét sa mạc về đêm.


Một công ty bị người biểu tình đốt cháy rụi - Ảnh do lao động VN tại Libya cung cấp

Khi có hàng cứu trợ quốc tế đến, người ta đổ xô, tranh nhau lấy nước uống, gói kẹo. “Người thì đông, phải tranh nhau. Người yếu sức không có được mà ăn”, anh Thắng kể. “Anh em trong đoàn tranh được thực phẩm liền chia nhau ăn cầm cự”.

Khi đoàn người tị nạn rời đi, chăn màn quăng vương vãi.

Không chỉ riêng người lao động từ VN mà có rất nhiều người từ các quốc gia khác. Chủ yếu là VN, Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh và các nước lân cận với Lybia. 

Tàu chứa 800 người

Về đến sân bay Tân Sơn Nhất vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 6.3, anh Hoàng Trung Thơ (quê Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn còn cảm giác ngột ngạt. Cái cảm giác như anh Thơ nói “nằm chen chúc với 800 con người trên tàu thủy”.

Cơn đói và khát cứ dằn vặt những còn người khốn khổ hơn 10 ngày chạy loạn giữa tiếng súng, khói lửa. “Tàu rời khỏi đất nước Lybia, chưa khỏi mừng vì thoát ra khỏi “chảo lửa” đầy súng đạn, chúng tôi rơi vào thảm cảnh mới. Trên tàu, thức ăn rất ít. Chúng tôi ăn bánh mì để cầm hơi, còn nước thì phải tiết kiệm vì nước còn quý hơn vàng”, anh Thơ kể.


Trại tị nạn được thiết lập gần biên giới Lybia -Tunisia - Ảnh do lao động VN tại Libya cung cấp

Trong cái không gian chật chội ấy, bác sĩ, y tá làm việc không ngơi nghỉ. Hết người này ngất xỉu lại đến người khác lên cơn bệnh.

Như vậy vẫn còn khá hơn so với những ngày còn ở Lybia. Tình cảnh được anh Thơ mô tả: “Ngày tranh thủ ngủ. Tối cầm sẵn hành lý trong tay sẵn sàng phá tường chạy. Chạy bất cứ lúc nào! Súng bắn khắp quanh trại…”.

Hành trình về nước của anh Thơ quả là gian nan, vất vả. Từ Libya anh sang Tunisia, rồi từ đó đi tiếp sang Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), từ Istanbul bay về VN.

Hiện còn khoảng 20 đồng hương của anh Thơ còn chưa biết đến ngày về. Rất nhiều người còn lưu lạc, bơ vơ.

“Biết sao được, mạnh ai nấy chạy. Họ đốt công ty, xả súng loạn xạ”, anh Thơ nói.

Trần Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.