Kinh hoàng xe dù

31/01/2012 02:38 GMT+7

Thấy dễ chặt chém dịp sau tết, nhiều loại xe dù lao vào cuộc "hành" khách. Ngày 30.1, PV Thanh Niên đã lên một chiếc và trải qua hành trình kinh hoàng.

Hơn 10 giờ sáng, chúng tôi đón xe Quế Lực mang biển số 38H-4857 treo biển đi Huế tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), lúc này trên xe chỉ có 6 hành khách. Càng đi, nhà xe càng bắt nhiều khách. Qua khỏi TP Hà Tĩnh cũng là lúc xe đầy ứ và phụ xe bắt đầu màn “chặt chém”. Giá đưa ra đều cao hơn gấp đôi giá quy định, ví như: đến Ba Đồn, Đồng Hới, Lệ Thủy (Quảng Bình) thì hét từ 150.000-200.000 đồng/người (bình thường chỉ 70.000 đồng); đến Quảng Trị thì 250.000 đồng/người; đến Huế 250.000-300.000 đồng/người. Biết là giá cắt cổ nhưng ai cũng bấm bụng rút tiền ra trả nếu không sẽ không có xe đi; nhiều người có trả giá trước khi lên xe nhưng cũng không thoát cảnh bị “chém”.

Để đánh lừa khách, xe treo biển đi Huế, và mặt sau của tấm biển đó có chữ “Đà Nẵng” để có thể lừa tiếp lúc có thể.

Khi vừa đến đầu thị trấn Kỳ Anh (H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thì xe dừng lại ăn cơm tại quán Văn Hoa, ở đây một lần nữa khách bị “chặt” giá cơm: 50.000 đồng cho 1 dĩa cơm với vài miếng thức ăn qua loa, không canh, không giấy lau, không nước uống. Và xét về độ mất vệ sinh thì có lẽ chẳng có chỗ nào bằng quán ăn này. Nền nhà ăn bẩn thỉu, hôi hám; khu vực chế biến, nấu nướng, rửa chén đũa, chỗ rửa cho khách, rác thải, đồ ăn thừa cặn, củi nấu bếp, nhà vệ sinh, chuồng lợn đều nằm chung một chỗ chừng 30m2. Gạo cơm, mắm muối, thức ăn gì cũng để chung ở một chỗ đó.

 
Nhà xe Bình Loan dừng xe lắp thêm ghế tại thị trấn Kỳ Anh - Ảnh: T.Q.Nam

Điều gì đến phải đến, ăn cơm xong thì nhà xe thông báo toàn bộ khách sang xe với lý do xe hỏng. Chúng tôi lại bị nhồi nhét trên chiếc xe “dù” khác là Bình Loan mang biển số 37H-9787, nhưng lần này kinh khủng đến nỗi chỗ đứng cũng không còn. Nhét lui nhét tới mãi xe mới lăn bánh được. Đến thị trấn Kỳ Anh, nhà xe dừng lại hơn 30 phút để lắp thêm ghế, nhưng sau đó 5 người cũng phải đứng chen chúc ở khu vực cửa lên xuống. Như vậy, tính lần sang xe và lắp ghế thì khách phải đội mưa rét cả tiếng đồng hồ.

Tại địa phận Kỳ Anh, có một tổ kiểm soát của CSGT Hà Tĩnh nhưng chiếc xe không bị dừng lại kiểm tra. Để kịp vào Huế và quay ra lại Nghệ An ngay trong đêm, xe bắt đầu nhấn ga tăng tốc, nhiều lúc vượt cả xe tốc hành đường dài. Chiếc xe cũ kỹ lắc lư, chao đảo trên mặt đường trơn do trời mưa. Khách đứng nín thở không có chỗ bấu víu.

Trước tình thế đó, PV Thanh Niên đã thông báo với Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình. Lúc này, Phòng CSGT Quảng Bình đang mở đợt tổng kiểm tra xe khách trên QL 1A tại địa phận xã Quảng Xuân (H.Quảng Trạch) do Phó trưởng phòng, thiếu tá Bùi Quang Thanh chỉ huy. Kết quả kiểm tra xe 37H-9787 đã chở vượt số lượng người quy định 11 người (40/29) và xe này không có tuyến chạy đến Huế, không có sổ nhật trình. Lực lượng CSGT đã lập biên bản, tiến hành chuyển tải khách. 

326 người chết vì tai nạn giao thông trong 9 ngày nghỉ

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt,  Bộ Công an, trong 9 ngày nghỉ tết Nguyên đán (từ 28 đến mùng 7), cả nước xảy ra 402 vụ tai nạn giao thông làm 326 người chết, 380 người bị thương. So với 9 ngày tết Nguyên đán năm 2011, số vụ tai nạn giảm 93 vụ (giảm 19,1%); giảm 48 người chết (giảm 13,1%); giảm 96 người bị thương (giảm 20,1%). Có 5 vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bắc Giang, Bến Tre và Quảng Ngãi, làm chết 12 người, bị thương 15 người. Đối với đường sắt, trong 9 ngày tết cũng xảy ra 9 vụ tai nạn, làm chết 9 người. 

Thái Sơn

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.