Vô tư qua mặt CSGT
Trục đường Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Tất Thành - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - xa lộ Hà Nội (XLHN) mỗi ngày hứng hàng ngàn lượt xe tải chở hàng từ các cảng Q.4, Q.7, H.Nhà Bè đi các khu công nghiệp, nhà máy ở Đồng Nai, Bình Dương. Trong nhiều ngày, chúng tôi ghi nhận vô số lượt xe chở phôi sắt, thép tấm, phân bón... vượt tải trọng lưu thông qua đây mà không hề bị CSGT "tuýt còi".
|
Khoảng 10 giờ ngày 8.6, chiếc xe đầu kéo biển số 51R-81... chở phôi sắt từ cảng Bến Nghé băng ra đường Huỳnh Tấn Phát. Trên xe chất gần 40 cây sắt dài, xếp thành 3 tầng. Ông Nguyễn Ngọc Lự - một chuyên gia lâu năm trong ngành vận tải - cho biết mỗi cây sắt nặng khoảng 1,7 tấn, tức lượng hàng trên xe không dưới 65 tấn, cộng với xác xe thì tổng tải trọng ít nhất cũng 80 tấn. Như vậy, xe này chở vượt 2,5 - 3 lần tổng tải trọng cho phép.
|
Ngay sau đó, các xe biển số 54S-40..., 51E-015..., 51R-65... cũng lù lù từ cảng Bến Nghé chạy ra, trên mỗi xe đều chất hàng chục phôi sắt nặng nề. Nhìn đoàn xe nối đuôi nhau "bò" lên cầu Tân Thuận, chúng tôi "thót tim" bởi cây cầu này giới hạn tải trọng chỉ 30 tấn, trong khi mỗi xe đều nặng ít nhất 80 - 90 tấn, gấp 3 lần tải trọng cho phép của cầu. Đoàn xe thản nhiên băng qua đường Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng vào Nguyễn Hữu Cảnh. Chúng tôi bám theo và ghi nhận trong thời gian này có 2 lượt xe CSGT tuần tra dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành, nhưng chỉ chạy “vu vơ” chứ không “làm phiền” xe tải nào.
Gây hư hỏng hạ tầng nghiêm trọng Nếu nâng tải trọng trục (tải trọng phân bố trên từng trục) của xe lên gấp đôi thì tình trạng hư hỏng của cầu đường sẽ tăng gấp 20 lần, tức một xe có tải trọng trục 16.000 kg chạy trên đường một lần cũng có thể gây hư hỏng bằng một xe 8.000 kg chạy trên đường 20 lần. Nếu mặt đường được thiết kế để có tuổi thọ 20 năm cho các xe có tải trọng trục 8.000 kg, nhưng nếu các xe có tải trọng trục 16.000 kg đi qua thì tuổi thọ của lòng đường sẽ giảm từ 20 năm xuống còn 1 năm. Trên thực tế, một xe tải chỉ chạy trên đường một lần cũng gây hư hỏng tương đương 100.000 lần một xe du lịch đi qua. (Theo Tổng cục Đường bộ VN) |
Ra đến XLHN, các xe quá tải tha hồ đua tốc độ, vô tư băng qua một chốt CSGT đang tập trung phạt các xe hai bánh lấn tuyến ở gần trạm thu phí XLHN. Xe quá tải tiếp tục băng lên cầu vượt Thủ Đức (trạm 2 cũ) ra QL1A đi về hướng KCN Sóng Thần (Bình Dương) mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Đến đầu giờ chiều, từ cảng Bến Nghé tiếp tục xuất phát cả chục lượt xe chở phôi thép ầm ầm chạy trên các tuyến đường cũng theo lộ trình ban sáng.
Trưa 16.6, chúng tôi bám theo chiếc xe tải biển số 51R-57… và xe đầu kéo 57H-93... chở tôn cuộn từ cầu Tân Thuận ra đến trạm thu phí XLHN (Q.2). Ước tính mỗi xe chở khoảng 75 tấn hàng, tương đương tổng tải trọng hơn 90 tấn vẫn ung dung qua cầu Tân Thuận (30 tấn), cầu Sài Gòn (25 tấn). Khoảng 11 giờ 27, hai xe này đủng đỉnh vượt 2 CSGT đang túc trực tại giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng. Cùng lúc, ở chiều ngược lại từ đường Nguyễn Hữu Cảnh rẽ vào Tôn Đức Thắng, một xe đầu kéo chở nhiều khối bê tông nặng nề cũng thản nhiên “bò” qua chốt CSGT này...
Cầu 25 tấn "gánh" xe 100 tấn
Hầu hết các cây cầu ở TP.HCM đều giới hạn tải trọng, trong đó không ít cây cầu "hom hem" như Sài Gòn, Bình Triệu 1 vẫn phải gồng mình gánh xe quá tải chạy ầm ầm suốt ngày đêm. Chỉ vài tiếng buổi trưa 14.6, chúng tôi ghi nhận hàng loạt xe tải nặng ngang nhiên vượt cầu Sài Gòn, nhiều xe nặng nề đến mức không thể chạy nhanh mà chỉ "lết" từ từ, có lúc phải khựng lại trên cầu để... "lấy hơi" chạy tiếp. Trong đó, chiếc xe biển số 51R-98... chở đến 45 cây thép phôi (khoảng 1,7 tấn/cây), tương đương tổng tải trọng cả 100 tấn vẫn ung dung “bò” qua cầu Sài Gòn chỉ 25 tấn.
Chúng tôi đặc biệt chú ý 2 xe tải (biển 54N-70... và 54T-69...) cũ nát chở đầy phôi thép, ì ạch lên cầu. Xe bò đến đâu xì khói đen ngòm đến đấy, dọc đường phải nhiều lần dừng lại để kiểm tra “bệnh tình”. Tuy vậy, 2 xe này vẫn ung dung chạy suốt chặng đường dài từ cầu Sài Gòn về đến KCN Sóng Thần (Bình Dương), "qua mặt" cả chốt CSGT tại P.Hiệp Phú (Q.9).
Vào buổi tối, xe quá tải càng mặc sức tung hoành trên cầu Sài Gòn. Chưa đến 21 giờ tối 14.6, xe đầu kéo từ hướng đường Nguyễn Hữu Cảnh bắt đầu ùn ùn lên cầu Sài Gòn, càng về khuya mật độ xe càng dày, có khi nối đuôi san sát. Trong đó, nhiều xe chở hàng cao như núi, phủ bạt kín mít (chở phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi) nặng nề lết qua cầu. Theo ước tính, các xe này chở ít nhất gấp đôi tải trọng cho phép, lên 60 - 70 tấn.
Ở hướng ra QL13 về Bình Dương, xe quá tải cũng ầm ầm vượt cầu Bình Triệu 1. Anh T. - tài xế xe đầu kéo P.T, biển số 51E-02… thường xuyên lấy hàng từ cảng Lotus đi KCN Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) “khoe” chiến tích: “Khi cầu Bình Triệu 1 đang sửa chữa, giới hạn tải trọng xuống còn 16 tấn nhưng xe tôi tổng trọng tải đến 130 tấn vẫn bò qua được như thường”. Dấu ấn của xe quá tải dễ thấy nhất là ở cầu Khánh Hội, tuy mới đưa vào sử dụng năm 2009, song đến nay phần đường từ hướng Q.4 về phía Q.1 đã lún thành vệt sâu so với làn đường còn lại. Nguyên nhân, phần đường này thường xuyên hứng xe chở hàng quá tải từ cảng đi ra, trong khi hướng ngược lại chỉ có xe rỗng vào cảng lấy hàng.
Nhìn cũng biết quá tải Sáng 10.6, chúng tôi chuyển hướng ghi nhận tại cảng Lotus, là một trong những cảng có nhiều hàng tôn, sắt, thép... Tầm 10 giờ 15, chiếc đầu kéo 53R-08... chở sắt hình chữ I chất 5 tầng chạy ra, ước tính tổng tải trọng cả xe lẫn hàng hơn 61 tấn, vượt tải trọng gấp 2 lần. Đến 10 giờ 40, các xe đầu kéo 54T-69..., 54S-19... cũng ì ạch bò ra khỏi cảng với 7 cuộn tôn lớn trên mỗi xe. Trung bình mỗi cuộn tôn nặng khoảng 8 tấn, tương đương tổng tải trọng xe hơn 65 tấn, vượt gấp đôi tổng tải trọng cho phép và gấp 3 lần tải trọng hàng cho phép. Ở cảng Khánh Hội chiều 10.6, hàng loạt xe tải hạng nặng đang nhận hàng, trong đó xe biển số 60L-69... được chất đầy các bao hàng màu vàng (phân ure). Ở phía đối diện, công nhân cũng hối hả bốc các bao phân bón lên chiếc xe tải mang tên V.Q, biển số 54Y-43... Mỗi xe chất hàng trăm bao hàng, ước tính không dưới 40 tấn trong khi tải trọng thiết kế của xe chỉ có 15 tấn. Sáng 16.6, trên đường Nguyễn Văn Linh, chiếc xe đầu kéo 51R-91... chở hàng thép tấm đóng kiện, ước tính trọng lượng hàng lên đến 85 tấn (cả xe lẫn hàng phải hơn 100 tấn). Xe này chở quá tải khủng khiếp đến mức sàn rơ-moóc cong oằn xuống, xe chạy ì ạch, xả khói đen mù mịt. Tuy vậy, “quái vật” này vẫn lù lù trên đường Nguyễn Văn Linh nhưng không thấy CSGT nào chặn lại. |
Phương Thanh - Hoàng Việt
Bình luận (0)