Trong lúc nghiên cứu thiên hà GN-z11, tồn tại khi vũ trụ chỉ mới khoảng 430 triệu năm, các nhà thiên văn học đã tìm thấy một khối khí helium bên trong một quầng sáng bao quanh nó. Nghiên cứu mới có thể dẫn đến một trong những phát hiện quan trọng nhất của lĩnh vực vật lý thiên văn hiện đại.
"Việc chúng tôi không thấy cái gì khác ngoài khí helium cho thấy khối khí này phải thật sự sơ khai", theo trưởng nhóm báo cáo là giáo sư Roberto Maiolino của Đại học Cambridge (Anh).
Các nhà khoa học cho rằng chỉ có thể phát hiện những khối khí helium như thế này xung quanh các thiên hà khổng lồ vào thời xưa. Giáo sư Maiolino cho hay những khối khí ban sơ đó có thể sụp đổ và tạo thành những cụm sao gọi là Quần thể số 3.
Quần thể số 3 chỉ tập hợp những ngôi sao về mặt lý thuyết được hình thành trong giai đoạn vũ trụ còn sơ khai, thậm chí trước khi kim loại xuất hiện. Những ngôi sao này được cho có kích thước khổng lồ, cực sáng và nóng.
Không ngạc nhiên khi kính James Webb tìm được bằng chứng về sự tồn tại của các ngôi sao đầu tiên của vũ trụ.
Năm 2022, tiến sĩ Eric Smith, nhà khoa học chịu trách nhiệm chương trình kính James Webb, cho biết mục tiêu ban đầu của sứ mệnh này là quan sát các ngôi sao và thiên hà đầu tiên của vũ trụ. "Không phải là ánh sáng ban đầu của vũ trụ mà là thời điểm vũ trụ lần đầu tiên xuất hiện ánh sáng", ông nói.
Bình luận (0)