Kính James Webb lần đầu chụp ảnh trực tiếp một hành tinh ngoài hệ mặt trời

25/07/2024 11:46 GMT+7

Các nhà thiên văn học đã sử dụng kính James Webb để phát hiện một hành tinh mới nằm ngoài hệ mặt trời, là một 'siêu sao Mộc' được đặt tên Eps Ind Ab.

Kính James Webb lần đầu chụp ảnh trực tiếp một hành tinh ngoài hệ mặt trời- Ảnh 1.

Ảnh do kính không gian James Webb chụp dẫn đến phát hiện về hành tinh Eps Ind Ab

JWST

Eps Ind Ab cách trái đất khoảng 12 năm ánh sáng. Đây là lần đầu tiên kính James Webb chụp được một hành tinh ngoài hệ mặt trời hoàn toàn tách biệt với sao trung tâm và không cần dùng đến các đài thiên văn trên mặt đất.

Tính đến thời điểm hiện tại, cộng đồng thiên văn học trên toàn cầu đã phát hiện và xác nhận sự tồn tại của gần 5.700 hành tinh ngoài hệ mặt trời, nhưng đại đa số khám phá đều được thực hiện gián tiếp.

Điều này có nghĩa là họ không thật sự nhìn thấy hành tinh đó. Cái mà họ thấy là ảnh hưởng của hành tinh lên sao trung tâm, vì kích thước của hành tinh thường quá nhỏ và quá xa, khiến bất kỳ ánh sáng nào phản chiếu lên chúng đều vô cùng mờ nhạt.

Hành tinh mới được phát hiện có nhiệt độ thấp hơn bất kỳ hành tinh khổng lồ khí nào được kính James Webb tìm thấy từ trước đến nay. Khoảng cách của "siêu sao Mộc" này với sao trung tâm Epsilon Indi A, một sao lùn cam, tương đương khoảng cách mặt trời- Hải Vương tinh.

Điều đó giúp khám phá trên thuộc vào nhóm hiếm khi được phát hiện kể từ khi giới thiên văn học dõi theo các hành tinh nằm ngoài phạm vi Thái Dương hệ, và có thể là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới của lĩnh vực khoa học về hành tinh ngoài hệ mặt trời.

"Chúng tôi vô cùng phấn khích khi nhận ra đã chụp được ảnh của hành tinh trên", theo nhà thiên văn học Elisabeth Matthews của Viện Max Planck về Thiên văn ở Đức trình bày trong báo cáo trên chuyên san Nature.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.