Kình ngư Ánh Viên: ‘Có đến Olympic mới biết mình là ai và đang ở đâu!’

09/08/2016 08:52 GMT+7

Cô gái vàng của thể thao Việt Nam tại đấu trường SEA Games Nguyễn Thị Ánh Viên đã không thể chinh phục đấu trường Olympic mà theo chính cảm nhận của cô ‘có ra đến đây mới biết mình thực sự đang ở đâu!’.

Vào lúc 0 giờ 20 phút sáng 9.8, ở vòng loại nội dung 200 m hỗn hợp nữ, Ánh Viên dù cực kỳ nỗ lực nhưng cũng chỉ về đích ở vị trí thứ 7 với thông số kỹ thuật 2 phút 16 giây 20. Kết quả này không thể giúp Viên có mặt ở top để thi đấu chung kết. Cô còn cách rất xa VĐV Mỹ Maya Dirado, người bơi cùng lượt với Viên và về nhất với thành tích 2 phút 10 giây 24.
Thành tích của Viên ghi được vào hôm nay cũng kém rất xa so với chính cô đúng một năm trước. Ở giải thể thao quân sự thế giới 2015, Ánh Viên về nhất với thành tích 2 phút 13 giây 87, nhanh hơn 0,09 giây so với người về nhì Andreeva Viktoriia (Nga) và giúp Anh Viên lập kỷ lục mới tại giải này. Trước đó, ở SEA Games 28, Viên cũng đã giành HCV và phá kỷ lục SEA Games với thành tích 2 phút 13 giây 53.

[VIDEO]: ÁNH VIÊN: 'ĐÂY LÀ OLYMPIC THẤT BẠI CỦA TÔI'
Còn ở nội dung 400 m tự do cách đây 1 ngày, Viên đã thi đấu không thực sự tốt. Cô về cuối cùng trong lượt bơi của mình với thành tích 4 phút 16 giây 32 và không thể có mặt ở chung kết. Thành tích này còn kém xa so với kỷ lục SEA Games 28 mà Viên đã lập năm 2015. Năm ngoái, Viên đoạt HCV SEA Games với chỉ số 4 phút 08 giây 66.
Trong số các nội dung mà Ánh Viên đăng ký tham dự ở Olympic 2016, nội dung mà Ánh Viên thi đấu được xem là tốt nhất với chính mình là nội dung sở trường 400 m hỗn hợp. Ở vòng loại, cô đã về nhất lượt bơi thứ 3 với thời gian 4 phút 36 giây 85 và vượt hơn kỷ lục cũ 4 phút 38 giây 78 mà cô lập được tại giải vô địch bơi thế giới 2015 tại Kazan, Nga. Thế nhưng, Viên không thể lọt vào top 8 để thi chung kết mà đứng thứ 9. Cực kỳ đáng tiếc khi VĐV đứng ngay trên cô là VĐV người Canada Emily Overholt chỉ hơn Viên đúng 0,31 giây.
Còn nhớ cách chưa lâu, trong cuộc trò chuyện với thethao.thanhnien.vn, HLV Đặng Anh Tuấn đã đặt ra kỳ vọng lớn: “Tôi luôn nói rất sợ Viên thất bại nhưng tùy từng giải đấu mà đặt ra những mục tiêu phấn đấu khác nhau. Để đi đến cái đích cuối cùng là gì: Viên sẽ phải đạt trạng thái sung sức thể thao nhất đúng vào Olympic Brazil 2016. Tôi đang có những kế hoạch cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu rõ ràng cho Ánh Viên tại Olympic.
Ở nội dung 400m hỗn hợp, thànhtích tốt nhất ở giải vô địch thế giới 2015 là 4 phút 38. Tôi đang dự liệu để Viên có thể đạt 4 phút 34 tại Olympic - chỉ số mà Hosszu (Hungaria) từng về thứ 5 tại Olympic London năm 2012”. Tuy nhiên, khi bước vào thực tế, dù đã nỗ lực tột đỉnh nhưng Viên chưa thể hiện thực hóa mong ước của thầy Tuấn khi cô đạt chỉ số như vừa đề cập đến ở trên là 4 phút 36 giây 85.
Viên cũng từng đặt hy vọng vào chính mình khi chia sẻ ước mơ: “Sẽ cố gắng vào chung kết nội dụng 400 m hỗn hợp”. Nhưng sau phần thi của mình ở Olympic, cô đã nói rất thật lòng rằng: “Có ra đây mới biết là ai, đang ở đâu và mức độ của mình như thế nào”.
Không thể kết luận sự chuẩn bị của Viên là thiếu chu đáo. Ngược lại nữa là đằng khác. Hai thầy trò đã lập kế hoạch xuyên suốt kể từ ngay sau khi SEA Games 28 kết thúc và các chu kỳ huấn luyện được thiết lập một cách rất cụ thể. Vào đầu tháng 6, trước khi tham dự bơi lội Arena Pro Swim Series - một trong những giải đấu cực kỳ quan trọng, giúp cho những VĐV hàng đầu thế giới như Michael Phelps, Hossuzu kiểm định lại năng lực bản thân để chuẩn bị cho Thế vận hội, Viên bắt buộc phải tập luyện rất nặng với khối lượng tiêu thụ rất khủng lên đến cả trăm km/ tuần cộng với cả 2 tiếng ngồi tập thể lực trên cạn mỗi ngày.
Ông Tuấn khi đó đã phân tích: “Viên đạt tiến bộ rất lớn ở sức bền tốc độ, tuy nhiên sức mạnh bộc phát và sức mạnh tốc độ còn yếu. Kỹ thuật, kỹ năng quay vòng của Viên chậm hơn so với các VĐV đạt hạng cao của Olympic, tỷ lệ đạt phần trăm thấp hơn. Những điểm yếu này cần phải khắc phục rất nhiều”.

tin liên quan

Ánh Viên mong muốn có nhiều trẻ em Việt Nam biết bơi
Từ Mỹ về Việt Nam để thi cuối học kỳ lớp 12, ngày 25.4, nhà vô địch SEA Games Ánh Viên có mặt tại Hà Nội để tham dự lễ phát động chương trình bình chọn 'Nữ hoàng Quyền năng phái đẹp 2016' và lễ ra mắt ‘Quỹ chống đuối nước và xóa nạn mù bơi cho trẻ em Việt Nam'.
Và thực tế đã chứng minh, Olympic vẫn là đại dương quá lớn, quá mênh mông với Viên, trong khi các đối thủ quá mạnh. Đẳng cấp của Viên và đẳng cấp của VĐV thế giới còn có sự chênh lệch cực kỳ lớn. Thôi thì chúng ta lại tiếp tục nuôi ước mơ trong tương lai, bởi như HLV Đặng Anh Tuấn đã từng tiết lộ: Viên sẽ đạt độ chín vào ASIAD năm 2018!
Xin được nói thêm, cũng giống Viên, hai nữ VĐV rất giỏi khác của Việt Nam cũng đã thi đấu không thành công vào hôm qua. Ở môn TDDC nội dung nhảy chống, Phan Thị Hà Thanh đã hoàn thành hai lần nhảy của mình với số điểm là 14.233 và chỉ đứng ở vị trí thứ 9. Còn ở nội dung cầu thăng bằng, Hà Thanh hoàn thành bài thi với số điểm là 13.800, đứng thứ 30 trong số những VĐV tham dự qua đó không thể giành vé vào thi ở chung kết.
Ở môn đấu kiếm, Nguyễn Thị Lệ Dung đã thua VĐV Nhật Bản với tỷ số 15-3 mà sau đó, cô đã thốt lên đầy thất vọng: “Tôi đã thi đấu rất tệ, không đúng với phong độ và năng lực bản thân. Các đường kiếm thật không ra hồn…Tôi thua người không phải quá giỏi hơn mình vì tôi không làm tốt những gì tôi đã chuẩn bị”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.