Chinh phục đỉnh Olympic

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng khát vọng vượt qua chính mình

18/07/2024 08:14 GMT+7

Từng góp mặt ở Olympic Tokyo cách đây 3 năm, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng hiểu rõ sự khắc nghiệt của đấu trường lớn nhất hành tinh. Lần trở lại này, anh gặp khó khăn gấp bội nhưng với 'Rái cá sông Gianh', thử thách chính là động lực.

GẠT ĐI NƯỚC MẮT

Tại ASIAD 19 (tháng 9.2023), Huy Hoàng từng đối mặt với cú sốc thất bại. Ở chung kết nội dung 1.500 m tự do, anh cán đích với thành tích 15 phút 04 giây 06, cải thiện nhiều so với SEA Games 32 (tháng 5.2023). Tuy nhiên, chừng đó là không đủ để anh giành huy chương. Với kình ngư quê Quảng Bình, đây rõ ràng là một cú sốc bởi mục tiêu của anh là giành HCV. Cũng ở nội dung này tại ASIAD 18, Nguyễn Huy Hoàng xuất sắc đoạt HCB. Thất bại ở ASIAD 19 khiến kình ngư sinh năm 2.000 phải rơi nước mắt, thừa nhận mình xuất phát chậm và tâm lý không thoải mái.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng khát vọng vượt qua chính mình- Ảnh 1.

Huy Hoàng có thành tích đồ sộ

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng khát vọng vượt qua chính mình- Ảnh 2.

Nguyễn Huy Hoàng sẽ nỗ lực cao nhất tại Olympic Paris 2024

Độc Lập

Thời điểm đó, Huy Hoàng là niềm hy vọng lớn nhất của bơi lội VN. Anh cũng giành được rất nhiều danh hiệu trong vài năm qua nên nhận được rất nhiều kỳ vọng lẫn áp lực. Nhưng với bản lĩnh của một VĐV đỉnh cao, Huy Hoàng cũng lấy lại tinh thần rất nhanh. Vài ngày sau, anh lại bước vào tranh tài ở một nội dung khác là 800 m tự do. Lần này, anh không còn mắc lỗi xuất phát, về đích với thành tích 7 phút 51 giây 44, giành HCĐ và đoạt luôn vé dự Olympic Paris 2024 (vượt chuẩn A ở nội dung này là 7 phút 51 giây 65).

"Tôi cảm thấy hạnh phúc và rất bất ngờ. Khi thi đấu xong, biết mình đoạt chuẩn tham dự Olympic Paris. Khoảnh khắc đó, tôi như vỡ òa trong cảm xúc, niềm vui được nhân lên gấp bội", Huy Hoàng nhớ lại.

Và ngay sau niềm vui đó, chàng kình ngư số 1 VN lập tức bước vào giai đoạn chuẩn bị cho kỳ Thế vận hội thứ 2 trong sự nghiệp.

Huy Hoàng giành HCĐ ASIAD nội dung không sở trường: ‘Em đã cởi bỏ được áp lực’

VƯỢT KHÓ

Sau thời gian tập huấn trong nước, Nguyễn Huy Hoàng đến Hungary tập luyện chuyên sâu với sự kèm cặp của chuyên gia Peter Nagy. Mọi thông số trong các buổi tập luyện, thi đấu đều được gửi về VN để các chuyên gia nắm bắt, đánh giá, phân tích. Từ đó, hội đồng chuyên môn sẽ lên giáo án phù hợp cho kình ngư này để anh đạt điểm rơi phong độ tốt nhất tại Olympic Paris 2024. Nhưng vì sao phải "thiết kế riêng" giáo án cho kình ngư người Quảng Bình?

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng khát vọng vượt qua chính mình- Ảnh 3.

Nguyễn Huy Hoàng sẽ nỗ lực cao nhất tại Olympic Paris 2024

Độc Lập

Để giành được tấm HCĐ ở ASIAD 19 và tấm vé dự Olympic Paris 2024, Huy Hoàng cũng đã trải qua quá trình tập luyện, thi đấu vất vả, khắc nghiệt. Anh bị quá tải và dính chấn thương vai. Đây là nỗi ám ảnh với bất cứ VĐV bơi lội nào. Chấn thương trở thành chướng ngại đầu tiên của kình ngư có biệt danh "Rái cá sông Gianh". Đó cũng là lý do khiến Huy Hoàng không có thành tích quá tốt trong những giải đấu chuẩn bị cho Olympic 2024, điển hình là International Trophy Sette Colli 2024 tại Ý hay giải bơi vô địch các nhóm tuổi châu Á 2024 tại Philippines.

"Tôi có chuyến tập huấn 2 tháng để hướng tới Olympic. Tôi nghĩ bản thân mình còn rất nhiều thiếu sót vì chấn thương cũ vẫn ảnh hưởng đến việc tập luyện. Tôi cũng từng phải nghỉ ngơi một thời gian để hồi phục. Hiện tại, chấn thương của tôi đã ổn hơn nhiều rồi. Nhưng phong độ của tôi vẫn chưa tốt nhất vì không thể tập luyện ổn định trong một khoảng thời gian dài. Tôi hy vọng mình sẽ có một cơ thể mạnh khỏe, không gặp chấn thương nữa để chuyên tâm rèn luyện", Huy Hoàng bộc bạch.

Vượt qua trở ngại chấn thương, những khó khăn tiếp tục chờ đợi Huy Hoàng ở Paris (Pháp). Tại Olympic, anh phải đối đầu các VĐV hàng đầu thế giới. Khoảng cách về mặt thể chất như chiều cao, thể trạng… khó san lấp. Ở Tokyo (Nhật Bản) cách đây 3 năm, Huy Hoàng là VĐV duy nhất của châu Á có mặt trong tốp 20 ở nội dung 800 m tự do nam. Tuy nhiên, chừng đó là không đủ để anh giành vé vào tranh tài ở chung kết.

"Olympic luôn rất khác những đấu trường mà tôi từng tham dự. Tại đây, tôi phải thi đấu với những VĐV to cao và rất khỏe. Có lẽ vì thế, tôi bị áp lực hơn, không thoải mái như lúc tranh tài tại ASIAD hay SEA Games. Phong độ của tôi chỉ đang đạt 80% so với mức cao nhất do chấn thương, tập luyện không đều nên mục tiêu là cọ xát và nâng cao thành tích của bản thân", Huy Hoàng chia sẻ.

Khiêm tốn và hiểu rõ những điểm yếu của mình, Nguyễn Huy Hoàng cho biết điều bản thân cần phải cải thiện nhiều nhất là tâm lý thi đấu, sự tự tin và thể lực. Khi "biết mình biết ta" như vậy, hãy hy vọng rằng kình ngư này sẽ đạt được mục tiêu vượt lên trên giới hạn của bản thân trong lần bơi ra biển lớn!

Dù khiêm tốn đặt mục tiêu như vậy, Huy Hoàng vẫn không giấu được sự mong mỏi lập nên lịch sử cho bơi lội VN. Và chính anh, ngôi sao lớn nhất của đội tuyển bơi lội VN nhận rất nhiều kỳ vọng của giới chuyên môn cũng như người hâm mộ. Kể từ năm 1998, bơi lội VN đã luôn có mặt tại Thế vận hội nhưng chưa có bất cứ VĐV nào vượt qua vòng loại để góp mặt ở vòng chung kết. Vì lẽ đó, tại Hungary xa xôi, Huy Hoàng vẫn đang miệt mài tập luyện cùng với các chuyên gia. Mỗi ngày, anh phải ngâm mình dưới nước 7 - 8 giờ đồng hồ và cũng phải bơi hàng chục km khi có sở trường là những cự ly dài. Việc luôn phải vận động với cường độ cao, đối mặt với chấn thương, áp lực… chắc chắn khiến Huy Hoàng mệt mỏi. Tuy nhiên, điều đó chẳng thể nào lớn hơn khao khát cống hiến cho Tổ quốc và khát vọng khẳng định bản thân của chàng kình ngư trẻ tuổi. (còn tiếp)

NỖI ÁM ẢNH ĂN UỐNG

Tập luyện, vượt qua chấn thương vốn đã khó khăn. Với những VĐV bơi lội như Huy Hoàng, việc ăn uống còn khó khăn hơn, thậm chí đó còn là một nỗi ám ảnh. Kình ngư sinh năm 2000 chia sẻ anh luôn phải ăn rất, rất nhiều với đủ loại thực phẩm để nạp đủ lượng calo phục vụ cho việc vận động hàng giờ dưới nước. Giờ đây, chỉ mới nhìn đồ ăn thôi, anh đã có cảm giác không muốn ăn. Tuy nhiên, vì bản thân cũng như để cống hiến cho thể thao nước nhà, anh phải cố gắng ăn thật nhiều.

Ngoài những bữa chính, các VĐV bơi lội như Huy Hoàng cũng phải ăn nhiều bữa phụ. Đồng thời, họ cũng sử dụng các loại thực phẩm chức năng để đẩy nhanh quá trình hấp thụ dinh dưỡng hay hồi phục thể lực, cơ bắp. Xưa nay, việc ăn uống luôn là nỗi ám ảnh với VĐV bơi lội. Thế mới từng có chuyện kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên "phát ốm" mỗi khi ngồi vào bàn ăn ở những đợt tập huấn cao điểm tại Mỹ.

Nguyên Khang

Olympic là đấu trường quá lớn nên mục tiêu của Huy Hoàng sẽ là tiếp tục cải thiện thành tích của chính mình. Tại Olympic Tokyo 2020 (tổ chức vào năm 2021), Huy Hoàng đứng thứ 20 trong số 33 VĐV tranh tài ở nội dung này. Thành tích khi đó của Huy Hoàng là 7 phút 54 giây 16. Dù không giành quyền vào chung kết nhưng thành tích này cũng đã giúp anh trở thành VĐV duy nhất của châu Á có mặt trong tốp 20 Olympic Tokyo 2020 ở nội dung 800 m tự do nam.

Tấm HCV nội dung 800 m tại Olympic 2020 thuộc về VĐV người Mỹ Robert Finke với thành tích 7 phút 41 giây 87. HCB thuộc về VĐV người Ý Gregorio Paltrinieri (người đứng thứ 8/8 VĐV vượt qua vòng loại) với thành tích 7 phút 42 giây 11 và HCĐ thuộc về VĐV Ukraine với thành tích 7 phút 42 giây 33.

P.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.