Kinh tế 2023: Biến nguy thành cơ

29/01/2023 18:41 GMT+7

Hồi phục mạnh mẽ sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam 2022 bứt tốc ngoạn mục trong khó khăn khi tăng trưởng GDP hơn 8,02%, cao nhất hơn 10 năm qua.

Năm 2023 với khó khăn được dự đoán nhiều hơn nữa, "giữ vững đà tăng trưởng, ổn định vĩ mô" tiếp tục là kim chỉ nam được Chính phủ định hướng cho nền kinh tế.

Hồi phục ấn tượng

Tại cuộc làm việc với 63 địa phương cả nước ngay ngày đầu năm mới 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Dù vậy, năm 2023 được dự báo sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, theo Thủ tướng, cần phải tranh thủ thời cơ, vận hội, “biến nguy thành cơ”.

Ngay sau hội nghị ít ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2023.

Kinh tế 2023: Biến nguy thành cơ - Ảnh 1.

Công ty gạo Trung An phải trở lại làm việc từ mùng 4 tết để kịp tiến độ đóng hàng xuất khẩu

Đào Ngọc Thạch

Theo đó, Chính phủ nhận diện rõ, năm 2023 tình hình thế giới tiếp tục phức tạp, khó đoán định, trong nước sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống của VN bị thu hẹp… Dù vậy, mục tiêu GDP vẫn được đặt ra tăng khoảng 6,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD.

Với đặc thù quy mô nhỏ, độ mở cao, nền kinh tế VN chịu tác động nhanh, nhiều từ các biến động bên ngoài. Các tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra, trong năm 2023, những thách thức lớn với nền kinh tế VN vẫn tập trung vào việc suy giảm tổng cầu, lạm phát, lãi suất và giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, các rủi ro lớn nhất tập trung vào thương mại khi các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống của VN bị thu hẹp. Ngân hàng Thế giới (WB) dù đưa ra những đánh giá tích cực cho kinh tế VN trong năm 2023, song cũng bày tỏ quan ngại khi 2 động lực tăng trưởng quan trọng là xuất khẩu và tiêu dùng nội địa có dấu hiệu chững lại.

Trước tăng trưởng GDP ấn tượng trên 8% năm 2022, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết vừa mừng vừa lo. Mừng vì kinh tế đất nước đã phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu nhiều tổn thương, thiệt hại nặng nề sau 2 năm dịch bệnh, xung đột quân sự. Lạm phát khá thấp nhờ cơ bản kiểm soát được nguồn cung hàng thiết yếu, cũng như một số chính sách hỗ trợ như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), giãn hoãn thuế, phí. Theo ông Lực, có 3 yếu tố tạo nên tăng trưởng GDP của VN: một là quyết định mở cửa nền kinh tế sớm giúp các hoạt động kinh tế - xã hội được khôi phục nhanh hơn; hai là các động lực tăng trưởng phục hồi khá đồng đều; ba là mức tăng năm nay được so với mức nền khá thấp của năm 2021.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng bày tỏ lo ngại khi kinh tế thế giới dự báo suy thoái năm 2023, chỉ tăng khoảng 2 - 2,2%, ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế có độ mở rất lớn như VN, đặc biệt là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính tiền tệ. Bên cạnh đó, các tồn tại của nền kinh tế cũng bộc lộ thêm như giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia chậm, dù Chính phủ đã đôn đốc, nhắc nhở nhiều. Hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng khó khăn, nhất là tiếp cận vốn...

“Một nỗi lo rất lớn là tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm vẫn còn, sẽ làm chậm quá trình thực thi công vụ, thậm chí làm mất cơ hội và tăng chi phí vận hành của nền kinh tế, đòi hỏi Chính phủ phải linh hoạt, ứng biến trong điều hành”, TS Lực nhìn nhận và cho rằng dù thách thức rất nhiều, song nếu nhận diện chính xác các trở ngại sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Kinh tế 2023: Biến nguy thành cơ - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát lệnh làm hàng đầu năm tại cảng Tân Cảng - Cát Lái tối 29.1

TTXVN

Sức hút FDI

Tuy nhiên, bên cạnh thách thức chính là cơ hội. Ngay trong những ngày cuối năm 2022, báo chí quốc tế như tờ Nikkei Asia cho biết Apple dự định sẽ bắt đầu sản xuất máy tính MacBook tại VN từ giữa năm 2023, nằm trong xu thế dịch chuyển dần các dòng sản phẩm chủ lực của hãng này sang các nước sản xuất khác ngoài Trung Quốc. Trước đó, nhà cung cấp chính của Apple là Foxconn đã ký hợp đồng ghi nhớ thuê hơn 50 ha đất tại Bắc Giang cho kế hoạch mở rộng sản xuất, dự kiến sẽ làm dự án mới với tổng giá trị đầu tư 300 triệu USD.

Thủ tướng phát lệnh làm hàng xuất khẩu đầu xuân

Tối 29.1 (tức mùng 8 tết), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến dự lễ phát lệnh làm hàng xuất khẩu đầu xuân Quý Mão 2023 tại cảng Tân Cảng - Cát Lái thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân. Năm 2022, tổng sản lượng container thông qua các cảng thuộc hệ thống Tân Cảng Sài Gòn đạt hơn 9,27 triệu teus (tương đương 130 triệu tấn hàng hóa), tăng 6,6% so với năm 2021. Tân Cảng Sài Gòn hiện đang đảm nhận dịch vụ cảng cho trên 55% thị phần sản lượng container xuất nhập khẩu thông qua các cảng biển cả nước. Riêng cảng Tân Cảng - Cát Lái tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng với sản lượng thông qua đạt hơn 5,5 triệu teus container (tương đương 78,5 triệu tấn hàng hóa); Hải quan TP.HCM thu thuế xuất nhập khẩu qua cảng đạt trên 143.000 tỉ đồng, tương đương 30,3% tổng thu ngân sách của thành phố.

Tuần đầu xuân, cảng đón 70 chuyến tàu làm hàng, sản lượng thông qua 107.000 teus, tương đương hơn 1,54 triệu tấn hàng hóa (tăng 2,5 % so với cùng kỳ lễ năm 2022). Riêng trong đêm phát lệnh làm hàng, cảng đón 9 chuyến tàu container; lô hàng được xếp lên tàu Khuna Bhum của hãng tàu RCL, tải trọng 19.981 tấn, sức chở gần 1.700 teus hành trình Cát Lái (VN) - Laemchabang (Thái Lan) - Hồng Kông - Thượng Hải và Ninh Ba (Trung Quốc) là lô hàng sản phẩm điện tử - mặt hàng chủ lực năm qua đã góp phần đưa xuất khẩu của TP.HCM đạt kim ngạch hơn 47 tỉ USD. Tổng sản lượng xếp dỡ trong đêm phát lệnh làm hàng đầu xuân tại cảng Tân Cảng - Cát Lái khoảng 15.424 teus (tương đương 220.000 tấn hàng).

M.Khanh

Riêng tỉnh Bắc Giang, trong những ngày đầu tháng 1.2023, cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian cho Ingrasys Pte.Ltd (Singapore); biên bản ghi nhớ giữa nhà đầu tư Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang. Đây là 2 dự án sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị truyền thông, sản xuất tấm pin năng lượng; tổng vốn đăng ký khoảng 760 triệu USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), năm 2022 tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỉ USD. Đáng chú ý, số vốn giải ngân cũng đạt mức kỷ lục với hơn 22,4 tỉ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Điều này cho thấy sức hút của nền kinh tế VN với các nhà đầu tư nước ngoài, ngay cả trong giai đoạn khó khăn dịch bệnh. Dự báo năm 2023, VN có thể thu hút 36 - 38 tỉ USD vốn FDI.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết định hướng thu hút vốn FDI của VN thời điểm này là hướng đến các dự án có chọn lọc, có sự lan tỏa đến quá trình thực hiện chiến lược phát triển bền vững. Theo chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài mà Bộ KH-ĐT đã trình Chính phủ, năm 2023 cũng như giai đoạn 2021 - 2030 sẽ thu hút các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, cần xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới.

Kinh tế 2023: Biến nguy thành cơ - Ảnh 3.

Đồ họa: Thúy Ngọc

Tiếp tục trợ lực cho doanh nghiệp

Bên cạnh FDI, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2022. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, kết quả tăng trưởng xuất khẩu năm 2022 là động lực để bước vào năm 2023 dù dự báo tình hình trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nhiều quốc gia đối mặt với suy thoái; rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn còn hiện hữu; sức ép lạm phát, giá dầu thô, nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, khó đoán định; một số thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, thị trường.

“Bộ Công thương sẽ tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa các dự án vào hoạt động, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước”, ông Diên nói.

Bộ Công thương sẽ tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Năm 2023, Bộ Công thương sẽ tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, đề xuất các giải pháp phù hợp để khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI hỗ trợ thực chất đối với các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, giúp các doanh nghiệp VN nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.


Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ: Cần giải pháp mạnh mẽ hơn để khơi thông nguồn lực

Kinh tế 2023: Biến nguy thành cơ - Ảnh 5.

Gia Hân

Hiện nay, đà suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang rõ rệt hơn, đặt ra nhiều thách thức về tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và lựa chọn chính sách đối với các nước. Trong khi đó, nền kinh tế VN có độ “mở” lớn, năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế; thách thức với ổn định kinh tế vĩ mô còn hiện hữu, các thị trường tài chính, bất động sản, lao động, khoa học - công nghệ vẫn còn nhiều điểm nghẽn… Bối cảnh đó đòi hỏi cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn để khơi thông nguồn lực.

Trong giai đoạn tới, bên cạnh tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, cần giữ ổn định thị trường tiền tệ, thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp. Chính sách tài khóa cũng cần tập trung, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời nghiên cứu tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, lệ phí. Điều hành lãi suất, tỷ giá, dự trữ ngoại hối, cung tiền sát thực với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, không gây sốc cho nền kinh tế. Đặc biệt lưu ý mối quan hệ mật thiết, tính liên thông giữa tín dụng, thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản để điều hành chính sách phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá để khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, góp phần tạo thêm việc làm, giảm thất nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, người lao động. Cùng với đó, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia...

Năm 2023, Quốc hội sẽ tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối,

nghị quyết của Đảng nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo điều kiện phát triển đồng bộ các thị trường, khơi thông nguồn lực. Trong đó, ngoài việc thông qua các dự án luật quan trọng, Quốc hội sẽ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch phát triển

kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025… Những nội dung này sẽ là cơ sở quan trọng định hình không gian, lộ trình và nguồn lực phát triển của quốc gia trong thời gian tới.


Lê Hiệp (ghi)

Bộ trưởng bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: Đi trước một bước, tự chủ hội nhập


Kinh tế 2023: Biến nguy thành cơ - Ảnh 6.

Tiêu Phong

 

Bộ KH-ĐT luôn tâm niệm không dừng ở tham mưu cách thức “ứng phó” với các thay đổi ở bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước. Bộ xác định phải đi trước một bước với những tham mưu cải cách nhằm nâng cao năng lực nội tại, mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đặc biệt là các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển. Cụ thể, hiện nay Bộ đang trình Chính phủ dự thảo nghị quyết một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2025, bao gồm nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện ngay trong ngắn hạn và nhóm giải pháp trong dài hạn.

Theo đó, để hỗ trợ DN có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở DN phát triển, cởi trói, giải phóng tiềm lực của các DN khu vực tư nhân; đồng thời đổi mới các chính sách, chương trình hỗ trợ DN để đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế của DN và thị trường.

Cụ thể, tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi như cải cách hành chính, xây dựng chính phủ - chính quyền điện tử; liên thông các thủ tục giữa các bộ ban ngành để giúp DN, người dân giảm thiểu thời gian, công sức, chi phí.

Thứ hai, có giải pháp phù hợp hỗ trợ đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.

Thứ ba, xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn; đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình thực tế.

Thứ tư, tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển bất động sản, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cho người có thu nhập thấp...


Tiêu Phong (ghi)


Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan: Chủ động tâm thế, sẵn sàng thích ứng mọi tình huống


Kinh tế 2023: Biến nguy thành cơ - Ảnh 7.

gia hân

 

Nhìn lại năm 2022, việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế chính đã giúp ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức và gặt hái nhiều tin vui như xuất khẩu nông lâm sản cả năm đạt 53 tỉ USD, xuất siêu sản phẩm nông nghiệp chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu toàn nền kinh tế. Nhưng biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, thế giới ngày càng khó đoán định hơn. Tốc độ tăng trưởng của nhiều ngành hàng đang có dấu hiệu chậm lại; quy mô sản xuất đã dần chạm ngưỡng thì càng phải tìm kiếm cơ hội mới, không gian phát triển mới. Thực tế ở nhiều địa phương đã mạnh dạn áp dụng mô hình đa canh, xen canh, luân canh, đa tầng, đa tán, đa giá trị hướng đến nền kinh tế xanh, sinh thái, phát triển bền vững. Điều chúng ta có thể chủ động chính là tâm thế sẵn sàng, là sự chuẩn bị để thích ứng các điều kiện, tình huống khác nhau.


Phan Hậu (ghi)

Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: Khơi thông dòng tiền, hỗ trợ doanh nghiệp


Kinh tế 2023: Biến nguy thành cơ - Ảnh 8.

Tiêu Phong

 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng; tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…

Chính sách tiền tệ hiện nay vẫn phải tập trung tháo gỡ khó khăn, ách tắc thanh khoản trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, các chính sách tài chính cũng cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện giảm, giãn thuế, điều chỉnh giá bất động sản... để khơi thông dòng tiền giữa các khu vực trong nền kinh tế. Nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của VN đã và đang ở ngưỡng cảnh báo.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ngành ngân hàng tập trung thực hiện các giải pháp cải cách, đơn giản thủ tục cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, cần các giải pháp chính sách hỗ trợ khác từ phía nhà nước như bảo lãnh tín dụng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được thực thi hiệu quả...


Tiêu Phong (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.