Đó là các nội dung nổi bật trong báo cáo kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương vừa được gửi đến Thanh Niên vào hôm qua (30.8) bởi Công ty phân tích Moody's, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody's - một trong 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm tài chính uy tín nhất thế giới.
Khó khăn còn đó
Theo báo cáo trên, kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đang chậm lại do thương mại toàn cầu yếu kém, sự phục hồi kinh tế không chắc chắn của Trung Quốc, lãi suất cao và một số chính sách tài chính thắt chặt. Tuy nhiên, trong toàn khu vực, hiện chỉ có Myanmar và Sri Lanka đang suy thoái, hầu hết các nền kinh tế ở Đông Nam Á và Đông Á đều tiếp tục tăng trưởng dù tốc độ chậm lại.
Một trong những yếu tố quan trọng cho phép kinh tế khu vực tăng trưởng nhờ lạm phát giảm từ cuối năm ngoái, khi giá năng lượng và lương thực giảm giúp tỷ lệ lạm phát tiến gần mục tiêu mà các nền kinh tế đề ra.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây đã khiến nỗi lo lạm phát tăng trở lại. Đầu tiên, việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu của Ả Rập Xê Út đã nâng giá dầu thô lên 84 USD/thùng gần đây, tăng đáng kể so với mức 74 USD vào cuối tháng 6. Nhiều dự báo lo ngại giá dầu sẽ tăng lên gần 90 USD/thùng.
Bên cạnh đó, do thời tiết khô hạn ở Ấn Độ và Thái Lan, giá gạo đã tăng vọt kể từ đầu năm, từ 440 USD/tấn lên mức 550 USD/tấn trong tháng 6 và mới nhất là 629 USD/tấn. Toàn bộ châu Á sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi giá lương thực cao hơn nếu tình trạng này kéo dài.
Trong bối cảnh như vậy, các ngân hàng trung ương ở châu Á đang phải thận trọng theo dõi cả lạm phát lẫn chính sách của các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu. Các ngân hàng trung ương ở khu vực chắc chắn không muốn tăng thêm chênh lệch về lãi suất vì gây rủi ro biến động tỷ giá hối đoái.
Công ty phân tích Moody's kỳ vọng các ngân hàng trung ương ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ít nhất cho đến cuối năm nay và có thể lâu hơn. Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Một yếu tố có thể hỗ trợ kinh tế khu vực là lượng khách du lịch từ Trung Quốc quay trở lại tăng nhanh hơn, nhưng yếu tố này đến nay vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan.
Qua tất cả phân tích, báo cáo đánh giá kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ tránh được suy thoái, nhưng khó có thể tăng trưởng mạnh mẽ trước nửa sau năm 2024.
Việt Nam và Ấn Độ là các điểm sáng
Trong bối cảnh trên, theo báo cáo của Công ty phân tích Moody's, Việt Nam và Ấn Độ sẽ dẫn đầu tăng trưởng dù tốc độ chậm hơn năm ngoái. Việc tăng trưởng chậm hơn vì năm 2022 là năm phục hồi nhanh chóng ban đầu hậu đại dịch Covid-19.
Cả Việt Nam và Ấn Độ đều đang thu hút đầu tư nước ngoài, được chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc. Sự chuyển hướng này diễn ra khi Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ đạt được mục tiêu kiềm chế tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay. Mức 5% cao hơn nhiều so với con số năm 2022, nhưng với dữ liệu kinh tế yếu kém trong tháng 7 và 8, kinh tế Trung Quốc đứng trước một số rủi ro trong năm nay và năm tới, nên kém thu hút vốn đầu tư so với các nền kinh tế khác trong khu vực.
Trong khi đó, báo cáo trên đã hạ triển vọng đối với Philippines trong năm nay. Philippines được đánh giá vẫn sẽ là một trong những nền kinh tế dẫn đầu khu vực, nhưng lạm phát và lãi suất cao cùng với chi tiêu đầu tư và chính phủ không đồng đều đã làm chậm tốc độ tăng trưởng trong 3 quý vừa qua. Trừ khi chính sách tài khóa hoặc thương mại xuất khẩu tạo thêm động lực, tăng trưởng sẽ vẫn ở dưới mức mục tiêu 6-7% mà nước này đề ra.
Còn tăng trưởng của Indonesia, Malaysia và Hồng Kông dự kiến dựa vào bước chuyển mới về xuất khẩu trong năm tới, cũng như chính sách tài khóa và đầu tư. Trong đó, Indonesia tiếp tục có mức tăng đầu tư công do các dự án cho thủ đô mới Nusantara. Bên cạnh đó, Indonesia, Malaysia và Thái Lan có thể cũng là điểm đến của những dòng vốn chuyển hướng từ Trung Quốc. Nhưng Thái Lan phải đợi đến năm 2024 mới có sự cải thiện đáng kể. Đó là khi lượng khách du lịch được kỳ vọng sẽ đạt lại mức trước đại dịch. Các nền kinh tế Úc và New Zealand sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn do lãi suất cao dự kiến sẽ duy trì đến giữa năm 2024. Kinh tế của hai nước này và Nhật Bản vẫn tiếp tục chậm tăng trưởng trong 2 năm tới.
Bình luận (0)