Kinh tế di sản để bảo tồn di sản: Tại sao không?

22/11/2018 08:00 GMT+7

Dù dư luận, báo chí từng phản đối mạnh mẽ, nhưng mới đây “biệt thự trăm tuổi” 237 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh vẫn bị tháo dỡ.

Điều này dấy lên sự lo ngại về số phận của các công trình, biệt thự cổ ít ỏi còn sót lại tại TP.HCM...
Năm 1996, UBND TP.HCM chỉ đạo soạn thảo quy chế bảo tồn cảnh quan kiến trúc nhưng quy chế chưa xong mà các công trình cổ có giá trị lần lượt bị tháo dỡ để xây công trình mới như cụm biệt thự cổ ở Q.3, Nhà đèn Chợ Quán...
Hiệu quả kinh tế cũng được xem là một vấn đề then chốt trong bảo tồn công trình di sản. Các doanh nghiệp, nhà kinh tế phải hợp lực cùng tính toán phương án bảo tồn với chính quyền và nhà chuyên môn 
TS-KTS Lê Quang Ninh
Những con số... buồn 
Năm 2010, UBND TP.HCM ban hành quyết định thực hiện kiểm kê 1.400 di tích lịch sử - văn hóa (đã được xếp hạng cấp TP lẫn quốc gia) trên địa bàn TP. Sau vài năm, TP xác định 168 công trình đủ điều kiện lập hồ sơ công nhận di tích. Trong khi chờ đợi công nhận, nhiều công trình đã bị “xóa sổ”. Cụ thể, nhiều nhà cổ (P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9) bị di dời vì dự án Khu công nghệ cao, hầm bí mật trong nhà dân ở Thủ Đức bị lấp...
Theo số liệu khảo sát của Trung tâm dự báo và nghiên cứu đô thị (PADDI - dự án hợp tác cấp địa phương giữa Vùng Rhône - Alpes và TP.HCM), từ năm 1993 - 2013, khu trung tâm TP.HCM có 207 công trình xây dựng có giá trị di sản bị phá bỏ hoặc biến dạng. Cụ thể năm 1993 qua khảo sát khu vực Q.1, Q.3 có 377 công trình được các chuyên gia đánh giá là có giá trị di sản thì năm 2013 khi tái khảo sát chỉ có 14 công trình được trùng tu, 96 công trình được giữ gìn, 35 công trình ít biển đổi, 9 công trình xuống cấp và 207 công trình (56,3%) bị phá bỏ hoặc biến dạng…
TP.HCM có gần 1.300 biệt thự cổ (xây dựng trước năm 1975) thuộc diện cần bảo tồn. Tuy nhiên, khảo sát mới đây của Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) đưa ra con số giật mình: gần nửa số biệt thự cổ đã… biến mất.
Một biệt thự cổ trên đường Hồng Bàng, P.6, Q.5 đang xuống cấp nghiêm trọng
Một biệt thự cổ trên đường Hồng Bàng, P.6, Q.5 đang xuống cấp nghiêm trọng Lê Quốc
Theo một số chuyên gia, hiện tại các biệt thự cổ tại TP.HCM do nhà nước quản lý và một phần thuộc quyền sở hữu của tư nhân. Nhóm biệt thự cổ do nhà nước quản lý đa số nằm ở khu trung tâm, vị trí đắc địa, tương quan về giá trị kinh tế và bảo tồn tương đối lớn, do đó rất dễ bị “biến mất”. Nhóm biệt thự cổ là tài sản của tư nhân do áp lực phân chia tài sản, nhu cầu ở hoặc vì kinh tế nên cũng từ từ bị xóa sổ, và thực tế chỉ một số ít tồn tại đến nay.
Một trong số ít biệt thự cổ còn hiện hữu ở Q.3
Một trong số ít biệt thự cổ còn hiện hữu ở Q.3 Ngọc Dương
Bảo tồn phải sinh lợi
Muốn “cứu” những công trình di sản, trong đó có biệt thự cổ, ông Trần Hữu Phúc Tiến - tác giả sách Sài Gòn - Hai đầu thế kỷ - cho rằng phải có cuộc khảo cứu, đánh giá để xác định giá trị của công trình. Cuộc khảo cứu này không chỉ có cơ quan văn hóa mà phải có sự tham gia của những hội đoàn chuyên môn độc lập và những chuyên gia trong lĩnh vực. Đồng thời, chủ nhân phải được thông tin rõ về giá trị của công trình. Hiểu được điều đó, khi muốn sửa chữa hoặc tháo dỡ họ sẽ rất cân nhắc (vì điều đó có thể làm giảm giá trị công trình). Không những thế, thông tin về những công trình di sản cũng nên được phổ biến trên website, báo chí, đặt bảng thông báo trước nhà, khuyến khích chủ nhân quảng bá hình ảnh công trình của mình qua các trang mạng xã hội...
Bưu điện TP.HCM được xem là một trong số ít công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của TP.HCM
Bưu điện TP.HCM được xem là một trong số ít công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của TP.HCM
Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Phúc Tiến, giải pháp đầu tiên chính là... tiền đâu? Phải nhận thức di sản cũng là một ngành kinh tế. Vì thế phát huy đầy đủ giá trị và tôn vinh di sản cũng cần nên nhìn dưới góc độ kinh tế. Tất nhiên, những giá trị di sản là vô giá nhưng đều phải định lượng và phải sinh lợi từ việc bảo tồn.
“Kinh tế di sản là để làm tốt hơn, làm hay hơn, để gia tăng giá trị cho công trình di sản và thu được lợi nhuận từ việc bảo tồn chứ không phải đập ra để lấy miếng đất rồi đem bán hoặc xây cao ốc”, ông Trần Hữu Phúc Tiến nói.
Trong hơn 300 năm phát triển, đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM còn nổi bật một số công trình kiến trúc cổ với đường nét kiến trúc đặc trưng
Trong hơn 300 năm phát triển, đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM còn nổi bật một số công trình kiến trúc cổ với đường nét kiến trúc đặc trưng
Đồng quan điểm, KTS Nguyễn Văn Tất - Chủ tịch Hội đồng kiến trúc, Hội KTS TP.HCM khẳng định, nói đến bảo tồn là phải đặt ngay vấn đề vận hành và phát triển, sinh lợi thế nào. Theo KTS Nguyễn Văn Tất, sẽ rất không ổn nếu bảo tồn công trình di sản mà chỉ sơn sửa, chăm sóc hằng ngày, nhưng không sử dụng vào việc gì, chỉ mất tiền chi ra mà không thu được tiền vô. Đặc biệt, “không nên biến công trình di sản thành một khối vô hồn, mà phải để nó tiếp tục sống với thời điểm hiện tại, lấy nó nuôi nó bằng một hình thức phù hợp”.
KTS Nguyễn Văn Tất diễn giải: “Với một công trình di sản, nếu người dân vào thụ hưởng không phải mất phí, thì số tiền thay vì bán vé phải được một bên thứ ba chi trả. Thí dụ, một công trình di sản được sử dụng như nơi chuyên triển lãm đồ gốm cổ sẽ mở cửa tự do, nhưng toàn bộ chi phí vận hành, tiền bù vào vé sẽ do một công ty gốm nào đó tài trợ chẳng hạn. Bù lại, công ty đó sẽ được để bảng quảng cáo…”.
TS-KTS Lê Quang Ninh, Chủ nhiệm chương trình Bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị tại TP.HCM năm 1993 - cho rằng một trong những nguyên nhân khiến việc bảo tồn công trình, biệt thự cổ chưa thật sự hiệu quả là do các nhà kinh tế chưa thật sự “nhúng tay vào”. “Ý tưởng, đề xuất thì nhiều lắm nhưng không thực tế. Hiệu quả kinh tế cũng được xem là một vấn đề then chốt trong bảo tồn công trình di sản. Các doanh nghiệp, nhà kinh tế phải hợp lực cùng tính toán phương án bảo tồn với chính quyền và nhà chuyên môn”, TS-KTS Lê Quang Ninh nói. 
Cần số hóa hình ảnh, bản vẽ công trình di sản
Từng làm đề tài thạc sĩ “Định hướng tổ chức không gian kiến trúc cho khu dân cư có giá trị lịch sử ở TP.HCM”, Th.S-KTS Nguyễn Văn Châu đề xuất giải pháp bảo vệ, phục hồi, bảo tồn loại công trình này, là lập danh sách, đánh giá mức độ cổ, tính lịch sử, phân loại... Song song đó, đánh giá tình trạng xuống cấp thực tế, đặc biệt là tính pháp lý và giá trị bất động sản; đồng thời có chính sách hỗ trợ để giảm thiểu sự xuống cấp.
Th.S-KTS Nguyễn Văn Châu nói: “Điều quan trọng không kém là phối hợp các đại học chuyên ngành để lập hiện trạng, thể hiện 3D và số hóa các bản vẽ hiện trạng, bản vẽ qua từng thời kỳ. Từ quy mô nhỏ này sẽ mở rộng cho đối tượng là các công trình có giá trị lịch sử lớn hơn. Hiện nay đã có vài nhóm, đơn vị cũng tự thu thập thông tin và số hóa nhưng chỉ với quy mô nhỏ và thiếu sự phối hợp, thiếu tổng chỉ huy”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.