Kinh tế gặp khó, kiều hối giảm

Thanh Xuân
Thanh Xuân
24/12/2022 06:25 GMT+7

Lượng kiều hối về Việt Nam năm 2022 dự kiến giảm nhẹ so với mức kỷ lục đã đạt được vào năm trước.

Nguyên nhân là do tình hình kinh tế nhiều nước trải qua thời kỳ khó khăn cùng với biến động tỷ giá khiến cho dòng vốn này giảm cả về lượng và chất.

Chưa năm nào khó như năm nay

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, cho biết: Lượng kiều hối chuyển về qua các tổ chức trên địa bàn thành phố năm 2022 ước khoảng 6,8 tỉ USD, giảm 300 triệu USD so với năm 2021. Được biết, năm 2021, kiều hối chuyển về Việt Nam vào khoảng 12,5 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Kiều hối dự báo giảm nhẹ trong năm 2022

Ngọc Thắng

Thế nhưng, tình hình năm nay khó khăn hơn. Mặc dù thời điểm này là vào mùa cao điểm nhưng dòng vốn này vẫn không mấy khả quan. Ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty kiều hối Sacombank (SBR) - đơn vị có lượng kiều hối mỗi năm hơn 2 tỉ USD, thừa nhận chưa năm nào khó như năm 2022. Thường những ngày đầu năm, lượng kiều hối chuyển về cho người thân ăn tết dồi dào. Năm 2022 thì ngược lại, dòng tiền này sụt giảm mạnh. Đến những tháng giữa năm, tình hình kiều hối cũng không mấy khả quan vì chịu sự tác động của tỷ giá. Tỷ giá một số loại tiền như yen (Nhật), won (Hàn Quốc)… giảm mạnh từ 5 - 20%, nên kiều bào, người lao động cân nhắc thời điểm gửi tiền sao cho có lợi nhất. Dòng tiền tiếp tục bị nghẽn.

Đó là tâm lý của nhiều gia đình có bà con Việt kiều gửi tiền về thường xuyên. Chị Bích Thu (ngụ TP.Đà Nẵng) cho biết giá USD vào tháng 10 ở mức cao, 1.000 USD đổi được khoảng 25 triệu đồng nhưng nay giá USD chỉ đổi được khoảng 24 triệu đồng. Phần sụt giảm do tỷ giá cũng khiến người nhận thiệt thòi hơn nên người gửi cũng tính toán làm sao để có lợi nhất.

Thế nhưng, nhiều người vẫn kỳ vọng kiều hối sẽ có thay đổi vào những ngày cuối cùng của năm 2022. Bởi thông thường lượng kiều hối chuyển về dịp gần tết tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng trong năm. Năm nay, các dịp lễ tết diễn ra gần sát nhau (Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán) nên khả năng kiều bào sẽ tập trung chuyển tiền cho người thân một lần. Chính vì vậy, đại diện các ngân hàng, các đơn vị chuyển tiền đều đang khá “hồi hộp” và khó dự báo con số chính xác.

“Sau thời gian hạn chế đi lại do Covid-19 được bãi bỏ, nhiều kiều bào đã về quê chơi, thăm người thân. Dịp lễ, tết cuối năm cũng là thời điểm thích hợp để họ thực hiện kế hoạch. Chính vì vậy, lượng tiền chuyển kiều hối cũng sẽ bị ảnh hưởng giảm. Nhưng cũng có thể sẽ tăng nếu họ gộp cả 3 kỳ lễ vào 1 và tăng lượng tiền gửi”, lãnh đạo một đơn vị chuyển tiền phân tích.

Kiều hối thúc đẩy kinh tế

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, lượng kiều hối sụt giảm trong bối cảnh nhiều quốc gia đối mặt với lạm phát, tiền mất giá, suy giảm kinh tế, thu nhập của người dân, người lao động bị ảnh hưởng. Vì vậy, giá trị kiều hối chuyển về trong năm 2022 tại TP.HCM là 6,8 tỉ USD cũng là một kết quả không hề đơn giản. Dòng vốn này có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, vì đây là nguồn vốn không hoàn trả, không phải trả chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi vay. Tùy theo mục đích của người dân, người nhận kiều hối sử dụng vào hoạt động nào, mục đích nào đều mang lại ý nghĩa cho sự tăng trưởng và phát triển trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.

“So với nguồn thu ngân sách thành phố (dự ước năm 2022 đạt trên 434.000 tỉ đồng), nguồn kiều hối chuyển về trong năm khoảng 6,8 tỉ USD là nguồn thu không nhỏ, mang lại hiệu quả cao và hiệu ứng tích cực. Còn nếu so với quy mô tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng hiện nay trên địa bàn, thì nguồn kiều hối chuyển về trong năm 2022 chiếm 48%. Chưa kể kiều hối năm 2022 cũng là một nguồn thu ngoại tệ, đảm bảo cung - cầu ngoại tệ, góp phần quan trọng trong việc phát huy chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá; tăng lãi suất là không nhỏ, khi áp lực lạm phát gia tăng và các đồng tiền tại một số quốc gia trên thế giới có xu hướng mất giá mạnh trong năm 2022”, ông Nguyễn Đức Lệnh nhận định và kỳ vọng lượng kiều hối sẽ tăng vào những tuần cuối năm 2022.

Lượng kiều hối chuyển về VN nhiều năm gần đây không đơn thuần là hỗ trợ người thân mà còn có mục đích đầu tư. Chẳng hạn mua bất động sản, gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán. Môi trường đầu tư kinh doanh tại VN ngày càng cởi mở hơn, tăng trưởng kinh tế những năm qua cũng khá ấn tượng… đã thu hút dòng kiều hối ngày càng tăng. Việc kiểm soát dịch Covid-19 khá tốt mà không phải đóng băng nền kinh tế như các quốc gia khác. Tất cả những điều này đã tạo niềm tin cho kiều bào chuyển tiền về nước.

TS Nguyễn Trí Hiếu (Chuyên gia tài chính)

Việt Nam nằm trong top 10 nước có lượng kiều hối lớn trên thế giới. Năm 2021, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ở mức kỷ lục 18,1 tỉ USD (cao hơn con số 12,5 tỉ USD do Ngân hàng Nhà nước công bố). Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiếu hối đã vượt qua mức 10 tỉ USD và tăng gần gấp đôi. Ngoài việc hỗ trợ người thân trong cuộc sống, dự báo lượng kiều hối trong năm 2023 sẽ tăng mạnh, đặc biệt vào bất động sản.

Chị Thúy Anh (Việt kiều Mỹ) cho hay người thân của chị ở Đà Nẵng vẫn thường xuyên cập nhật giá nhà đất cho chị. Theo thông tin chị nắm được thì hiện tại giá bất động sản ở Việt Nam đang rẻ, nên trong chuyến về quê dịp Tết Nguyên đán Quý Mão tới, chị có kế hoạch khảo sát một số khách sạn mini ở Hội An, Đà Nẵng.

“Nếu được giá, tôi sẽ mua để người thân quản lý. Còn không, số tiền này gửi quy ra tiền đồng, gửi tiết kiệm ở ngân hàng trong nước có lãi cao hơn gấp nhiều lần nước ngoài”, chị Thúy Anh cho biết. Đây cũng là tâm lý của nhiều Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới và nhờ thế, nguồn lực quý báu này vẫn đều đặn đổ về nước trong suốt những năm qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.