* Hội chợ thủy sản Boston được tổ chức trở lại sau thời gian dịch bệnh Covid-19 và trong bối cảnh kinh tế suy thoái, tồn kho tăng, sức mua giảm… Hội chợ có gì khác biệt so với trước đây không thưa bà?
- Bà Tô Thị Tường Lan: Hội chợ thủy sản Bắc Mỹ là triển lãm chuyên ngành về thủy sản lâu đời và uy tín nhất của khu vực Bắc Mỹ mà các doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự liên tục trong 18 năm qua. Đây là sự kiện quan trọng giúp các doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng, đánh giá thị trường, củng cố các mối quan hệ đối tác... đặc biệt sau dịch Covid 19. Các tác động từ kinh tế thế giới suy thoái càng khiến cho các doanh nhân tìm đến hội chợ đông hơn mọi năm với hy vọng định hình được chiến lược nhập khẩu trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Một tâm lý khác là việc tham gia trở lại hội chợ cũng cho đối tác biết công ty vẫn còn tồn tại sau đại dịch.
*Còn nhu cầu của thị trường Mỹ, thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới thì sao?
- Đối với thị trường Mỹ, cơ cấu và nhu cầu hàng hóa không có nhiều khác biệt so với giai đoạn trước dịch. Các mặt hàng được ưa chuộng nhất vẫn là tôm đông lạnh, cá tra, cá ngừ - 3 mặt hàng chiếm tỷ lệ xuất khẩu cao nhất hiện nay.
Đối tác không thay đổi nhưng "cục diện" lại có nhiều đổi thay. Đối với mặt hàng chủ lực là tôm, chúng ta đang đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ Ecuador và Ấn Độ với sản phẩm tôm có giá thấp hơn 10 -15%. Để ứng phó với điều này, bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tận dụng tối đa thế mạnh của mình ở các mặt hàng chế biến sâu. Đây là thế mạnh của Việt Nam mà các nước cũng chưa tập trung khai thác phân khúc này.
* Cụ thể, mình đã "chế biến sâu" như thế nào để được coi là thế mạnh?
- Các công ty Việt Nam đã đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tiện lợi để tìm kiếm những cơ hội mới như sản phẩm "seafood mix" với rau củ, tẩm ướp gia vị phù hợp với hương vị địa phương. Do đó, bên cạnh những mặt hàng truyền thống, sản phẩm trưng bày năm 2023 khá đa dạng so với trước, hầu hết các công ty đều tăng tỷ trọng hàng giá trị gia tăng nhưng vẫn đang ở bước giới thiệu và thử nghiệm.
* Qua hội chợ, các doanh nghiệp Việt có tìm thêm được nhiều khách hàng và thị trường mới cho những sản phẩm này?
- Hội chợ vẫn là kênh tiếp cận khách hàng thành công nhất trong các kênh xúc tiến thương mại. Ngoài những khách hàng lâu năm, năm nay số lượng các công ty trading nhập hàng cho các siêu thị nhỏ của cộng đồng châu Á ở Mỹ, Canada có phần sôi động với nhiều yêu cầu đa dạng. Khách hàng từ Nam Mỹ cũng khá nhộn nhịp nhưng để đi đến hợp đồng là một chặng đường dài thương thảo giữa hai bên.
* Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng âm. Sau hội chợ Boston liệu chúng ta có thể hy vọng về khả năng tăng trưởng dương trở lại trong những tháng tới?
- Mỹ là thị trường lớn nhất của sản phẩm thủy sản Việt Nam năm 2022. Với những diễn biến qua hội chợ hy vọng sang quý 2, chuẩn bị cho mùa hè cộng với những điều chỉnh kinh tế của Mỹ có thể tạo nên những chuyển biến tích cực hơn.
Kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn suy thoái; nhiều công ty nhập khẩu vỡ nợ và nợ xấu hậu quả từ đại dịch, lãi suất ngân hàng tăng cao... Do đó, khó có thể khởi sắc như mong đợi và áp lực hàng tồn kho có thể kéo dài đến mùa hè. Giá xuất khẩu rất cạnh tranh trong khi chi phí sản xuất tại Việt Nam tăng cao là những thách thức rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Hội chợ đúng là thước đo để các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh chiến lược sản xuất, bán hàng và xây dựng lại cơ cấu hàng hóa phù hợp với tình hình kinh doanh khá ảm đạm hiện nay.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Năm 2022 xuất khẩu vào thị trường này đạt kỷ lục 2,1 tỉ USD, chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất với 37% đạt doanh số 807 triệu USD. Cá tra chiếm 25% đạt hơn 537 triệu USD, cá ngừ chiếm 23% đạt 487 triệu USD, còn lại là hải sản khác (cá biển, cua ghẹ và giáp xác khác, mực bạch tuộc, nhuyễn thể…) đạt 547 triệu USD.
Bình luận (0)