(TNO) Yamaguchi-gumi, băng mafia lớn nhất Nhật Bản, tổ chức tội phạm giàu nhất thế giới, đang trên bờ vực chia rẽ. Theo giới chuyên gia, chuyện băng đảng được so sánh là 'tập đoàn tư nhân lớn nhất Nhật Bản' chia rẽ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
"Bố già" Shinobu Tsukasa, hay còn gọi là Kenichi Shinoda - thủ lĩnh băng mafia lớn nhất Nhật Bản - Ảnh: AFP
|
Theo CNBC, băng mafia (hay còn gọi là yakuza) Yamaguchi-gumi là tổ chức tội phạm lớn nhất Nhật Bản, giàu nhất thế giới với hơn 23.000 thành viên, chiếm 43,7% thành viên băng nhóm tội phạm có tổ chức ở quốc gia Đông Á.
Hiện tại, băng Yamaguchi-gumi do Kenichi Shinoda, 73 tuổi, cầm đầu. Ở khoảng thời gian đánh dấu 100 năm hoạt động, tổ chức này đối mặt với mâu thuẫn nội bộ gay gắt.
The Japan Times cho hay bất đồng nội bộ băng xã hội đen này hiển hiện khi 3.000 thành viên đã rời khỏi nhóm Yamaguchi-gumi. Phe cánh mới xuất hiện là Kobe Yamaguchi-gumi vừa tuyên bố hoạt động hôm 7.9. Dẫn đầu nhóm mới là Kunio Inoue, người được cho là đã bày tỏ sự thất vọng của mình với cách cầm đầu “cực kỳ ích kỷ” của thủ lĩnh 73 tuổi.
Bên cạnh các mối nguy về chuyện “nội chiến tắm máu”, căng thẳng nội bộ của nhóm mafia khét tiếng Nhật Bản còn làm dấy lên lo ngại về việc các nguồn thu nhập của nhóm này sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng đến thế giới doanh nghiệp khổng lồ của Nhật Bản. Yamaguchi-gumi nổi tiếng với việc sở hữu và kiểm soát vô số công ty.
Nhật Bản hiện lo ngại về "nội chiến tắm máu" của xã hội đen - Ảnh: AFP
|
Eric Messersmith, giảng viên tại Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Quốc tế Florida nhận định: “Một tổ chức lớn như Yamaguchi-gumi chắc chắn có một số tác động nhất định đến nền kinh tế Nhật Bản nói chung”.
Ngay lúc này, Messersmith cho rằng nếu tình hình không leo thang, các tranh chấp nội bộ có thể chỉ gián đoạn nhỏ đến lợi nhuận của Yamaguchi-gumi.
“Đa số các công ty đa quốc gia lớn có truyền thống cách ly với các hoạt động của băng đảng, nhưng điều này cũng còn tùy. Các hãng lớn sở hữu nhiều văn phòng thương mại quốc tế, như Marubeni chẳng hạn, đã tiếp xúc với các công ty bình phong của yakuza, dù họ có biết điều đó hay không”, ông Messersmith nói.
Có một điều chắc chắn với cơ số các doanh nghiệp lớn nhỏ trong nhiều ngành nghề từ giải trí, tài chính đến công nghệ thông tin, bất động sản, Yamaguchi-gumi thống trị nền kinh tế lớn thứ ba thế giới một cách không chính thức.
Tạp chí Fortune ước tính doanh thu ròng của băng xã hội đen này lên đến 80 tỉ USD trong năm ngoái, cao nhất trong thế giới tội phạm có tổ chức và hơn hẳn đế chế ma túy khét tiếng Mexico Sinaloa Cartel.
Trang web của băng Yamaguchi-gumi - Ảnh: AFP
|
“Chỉ tính riêng hoạt động rửa tiền, các thành viên Yamaguchi-gumi ước tính đã tạo ra 10 tỉ yên trong năm ngoái. Và đó mới chỉ là con số khi báo cáo đang trong tiến trình thực hiện. Khó mà xác định Yamaguchi-gumi thật sự kiểm soát bao nhiêu tài sản. Rất khó để thống kê chính xác”, Jake Adelstein, chuyên gia quốc tế về các yakuza ở Tokyo cho biết.
Còn Robert Alan Feldman, nhà kinh tế trưởng tại Morgan Stanley MUFG Securities, thì từng gọi Yamaguchi-gumi là tập đoàn cổ phần tư nhân lớn nhất Nhật Bản.
Căng thẳng xảy ra ở nhóm xã hội đen lớn nhất đến vào thời điểm không hề thích hợp cho Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe. Hồi tuần trước, hàng nghìn người dân đã xuống đường phố Tokyo để phản đối sự thay đổi trong chính sách an ninh.
Thành lập vào năm 1915, băng Yamaguchi-gumi sẽ kỷ niệm 100 năm hoạt động vào năm nay. Như 20 băng xã hội đen khác trên khắp đất nước, Yamaguchi-gumi có logo tổ chức, văn phòng và danh thiếp để chứng minh công khai hoạt động của họ gắn chặt với nền kinh tế quốc gia.
Những năm gần đây, sau khi ra tù, "bố già" 73 tuổi Kenichi Shinoda đã và đang thực thi các quy tắc đạo đức trong tổ chức, cấm các thành viên sử dụng hoặc buôn bán ma túy. Thông tin này được đăng tải trên trang web chính thức của băng Yamaguchi-gumi.
Bình luận (0)