Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng quý thứ tám liên tiếp

20/02/2018 11:44 GMT+7

Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng quý thứ tám liên tiếp vào cuối năm 2017, thời kỳ mở rộng dài nhất kể từ cuối những năm 1980, AFP trích số liệu của chính phủ Nhật Bản công bố tuần qua cho biết.

Trong quý 4/2017, GDP của Nhật Bản tăng 0,1% so với ba tháng trước. Trong năm 2017, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng 1,6%, cao hơn gần gấp đôi so với mức 0,9% vào năm 2016. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã giảm 0,2% so với kỳ vọng của thị trường và giảm xuống từ 0,6% trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9.2017.
“Tốc độ tăng trưởng trong quý trước rất thấp so với thời kỳ bong bóng nhưng nhìn chung nền kinh tế vẫn vững chắc. Vẫn còn những lo lắng kéo dài về tiêu dùng, nhưng chúng ta có thể mong đợi vào khả năng mở rộng của nền kinh tế nếu mức tăng lương tốt hơn so với những năm trước”, Takeshi Minami, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Norinchukin, nói.
Giai đoạn tăng trưởng hiện tại là tin tốt lành cho Thủ tướng Shinzo Abe, người đã cố gắng kích hoạt nền kinh tế bằng chính sách chi tiêu được gọi là Abenomics kể từ khi ông nhậm chức vào cuối năm 2012.
“Abenomics đang cung cấp một loạt biện pháp thuế khá có lợi cho các công ty Nhật Bản. Giai đoạn mở rộng kinh tế hiện nay nhìn chung ít phụ thuộc vào xuất khẩu. So với thời kỳ kinh tế bong bóng, khu vực doanh nghiệp Nhật Bản hiện rất thận trọng trong đầu tư”, Junko Nishioka, chuyên gia kinh tế trưởng tại Sumitomo Mitsui Banking Corp., nói.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda tuyên bố sẽ duy trì chính sách tiền tệ “thoáng” khi lạm phát vẫn còn yếu. Kinh tế quốc gia Đông Á đã trải qua giai đoạn tăng trưởng chủ yếu nhờ xuất khẩu và sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, nó cũng có động lực ngắn hạn từ nhu cầu trong nước được kích thích nhờ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng trước Thế vận hội Olympic 2020. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng tiền lương và mức tiêu thụ vẫn còn khá “lãnh đạm”, nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang phải chiến đấu để thoát khỏi tình trạng giảm phát.
“Tốc độ tăng lương chậm có thể làm hỏng kế hoạch tăng trưởng kinh tế liên tục. Chúng ta đã thấy sự bất ổn thị trường tài chính trong tháng 2.2018. Nếu các công ty coi đó như một cái cớ để chống lại việc tăng lương, thì điều đó sẽ làm tối viễn cảnh của sự mở rộng kéo dài”, ông Minami cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.