Kinh tế phục hồi nhưng doanh nghiệp vẫn đối mặt khó khăn

Lê Hiệp
Lê Hiệp
27/10/2022 15:08 GMT+7

Đại biểu Quốc hội băn khoăn tình hình giải ngân vốn đầu tư năm nào cũng chậm; kinh tế phục hồi nhưng doanh nghiệp vẫn đối mặt khó khăn.

Nguyên nhân, giải pháp chỉ ra nhiều lần nhưng kết quả lại thấp hơn

Ngày 27.10, tiếp tục kỳ họp 4 Quốc hội XV, Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách 2022, dự kiến kế hoạch 2023.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang)

gia hân

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt thấp. Theo đại biểu, đây là một chỉ tiêu mà nhiều kỳ họp Quốc hội, Chính phủ đều báo cáo không đạt kế hoạch.

“Mặc dù việc đánh giá, phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ thẳng thắn chỉ ra và chỉ ra rất nhiều lần song kết quả mang lại càng thấp hơn”, đại biểu nhìn nhận.

Bên cạnh đó, đại biểu Kiên Giang cho rằng, gói kích cầu cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch được Quốc hội, Chính phủ tích cực bàn bạc, tính toán để tạo mọi điều kiện phục hồi nền kinh tế song chủ trương này vẫn “loay hoay mãi” nên tiến độ triển khai quá chậm chạp, trong khi kế hoạch thực hiện chỉ đến cuối năm 2023.

“Một số chính sách đã ban hành hết sức ý nghĩa nhưng con đường đưa chính sách này đến với người hưởng thụ sao quá dài”, đại biểu Bé nêu và cho rằng, sự chậm chạp này đã làm cho hiệu quả của từng chính sách giảm đi ý nghĩa quan trọng của nó, mà không phải do thiếu nguồn lực mà là thiếu sự hướng dẫn, thực thi.

Nói về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm, đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) cho rằng thể chế, chính sách liên quan đến triển khai các dự án đầu tư còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án.

Đại biểu Cao Bằng phân tích, theo quy định của pháp luật, từ khi hình thành dự án cho đến khi giải ngân được vốn, tổ chức thi công phải trải qua rất nhiều giai đoạn, thủ tục.

Ông Đức dẫn chứng công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện một dự án thường phải trải qua khoảng 12 bước (đối với dự án nhóm A), nếu thực hiện đúng thủ tục, trình tự thường mất thời gian khoảng gần 2 năm.

Còn với dự án nhóm B, nhóm C thường mất khoảng 9 đến 10 tháng, đó là không kể đến vướng mắc gì trong các khâu thẩm định hay giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Bế Minh Đức, thủ tục, trình tự triển khai thực hiện một dự án lại được quy định ở rất nhiều văn bản pháp luật liên quan như: luật Đất đai, luật Bảo vệ môi trường, luật Đấu thầu, luật Xây dựng, luật Đầu tư công,… Mỗi giai đoạn phải tuân thủ nghiêm ngặt về thủ tục, trình tự theo đúng thời gian quy định nên dẫn đến tiến độ chậm.

Mặt khác, một số quy định trong các văn bản hướng dẫn còn có sự giao thoa, chồng chéo, dẫn đến mất rất nhiều thời gian hoàn thiện các thủ tục theo trình tự quy định.

ĐBQH Trần Văn Khải: "Nhiều cán bộ đùn đẩy trách nhiệm, đi lững thững trong trận đấu sống còn"

Giải pháp mạnh mẽ hơn để vực dậy doanh nghiệp

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) thì đặt câu hỏi: "Vì sao sao kinh tế phục hồi song cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn?"

Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng)

gia hân

Trả lời câu hỏi này, nữ đại biểu Sóc Trăng cho rằng, hiện, nguồn vốn của doanh nghiệp hiện nay 70 - 80% từ nguồn vốn vay bên ngoài. Trong khi đó, tiềm lực của các ngân hàng Việt Nam hiện còn hạn chế.

“Để bảo đảm có nguồn vốn cho vay trung và dài hạn thì các ngân hàng buộc phải đi vay các nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Điều này chứa đựng nhiều nguy cơ rất lớn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong khi, về phía doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao cùng với chi phí vốn cao dẫn đến sinh lời thấp”, bà Vang phân tích.

Theo bà Vang, việc phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay của ngân hàng cho nên ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của doanh nghiệp trong trường hợp nguồn vay bị hạn chế hoặc bị gián đoạn.

Từ đó, bà Vang kiến nghị, rà soát và xây dựng lại các giải pháp nhằm tác động mạnh mẽ hơn để giúp các doanh nghiệp đủ sức vực dậy trong sản xuất, kinh doanh, thể hiện quan điểm cơ chế rõ ràng, thiết thực đối với những chính sách đã ban hành nhưng thời gian qua triển triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Bà Vang cũng kiến nghị, Chính phủ hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh bằng cách tiếp tục thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thuế, phí, lệ phí, các chính sách cơ cấu lại nợ, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Cùng đó, theo đại biểu, cần tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại để có dư địa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên; có chính sách hỗ trợ phù hợp cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, như sản xuất và chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, dịch vụ vận tải, du lịch; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển khu công nghiệp…

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai: Lạm quyền trục lợi, đất đai bỏ hoang "rất đau lòng và bức xúc"
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.