Kinh tế thế giới gập ghềnh, châu Á - Thái Bình Dương vẫn lạc quan

17/04/2023 06:30 GMT+7

Các phân tích, báo cáo gần đây tiếp tục cảnh báo những rủi ro mà kinh tế toàn cầu gặp phải, nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá khả quan hơn dù vẫn tiềm ẩn một số khó khăn.


Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo mới về kinh tế toàn cầu.

Nhiều rủi ro, hạ triển vọng

Điểm tích cực, theo IMF, là kinh tế toàn cầu dần hồi phục đúng hướng sau đại dịch Covid-19 và bị ảnh hưởng bởi chiến sự Ukraine. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng cũng đã được khắc phục dần. Mức độ xáo trộn nguồn cung lương thực - thực phẩm do chiến sự Ukraine gây ra cũng đang giảm đi. Ngoài ra, nỗ lực thắt chặt tiền tệ đã phần nào mang lại kết quả, giúp lạm phát được kiềm chế.

Theo đó, IMF giảm mức dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu cho năm 2023 còn 2,8%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo 2,9% được đưa ra hồi tháng 1. Vào năm ngoái, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu được kỳ vọng đạt 3,4%. Bên cạnh đó, IMF dự báo lạm phát toàn cầu từ mức 8,7% của năm 2022 sẽ giảm còn 7% trong năm 2023 và còn 4,9% vào năm 2024.

Kinh tế thế giới gập ghềnh, châu Á - Thái Bình Dương vẫn lạc quan - Ảnh 1.

Kinh tế Mỹ được đánh giá còn nhiều khó khăn

Hoàng Đình

Tuy nhiên, theo IMF, dự báo tăng trưởng vẫn bị hạ thấp do một số diễn biến gần đây, cụ thể như biến cố xảy đến với một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, cho thấy triển vọng hồi phục của kinh tế toàn cầu vẫn rất mong manh. Điển hình, dù lạm phát toàn cầu giảm nhưng chủ yếu nhờ vào việc hạ giá của lương thực, thực phẩm và nhiên liệu. Thế nhưng, một số yếu tố cơ bản khác gây nên lạm phát vẫn chưa đạt đỉnh ở nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, nhu cầu lao động đang ở mức cao nhưng nguồn cung lại không tương xứng, dẫn đến việc các công ty có thể phải tăng lương để thu hút nhân công, khiến chi phí sản xuất tăng lên.

Đặc biệt, chính sách tiền tệ cũng bị xem là yếu tố có thể gây ra những khó khăn mới. Trong đó, chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ cấp tập vào năm ngoái đã làm tăng chi phí sử dụng vốn, gây ra tổn thất đối với các khoản đầu tư trái phiếu dài hạn khiến hoạt động đầu tư của các ngân hàng khó khăn. Nếu rủi ro này lan rộng thì dòng tiền có thể bị rút khỏi các ngân hàng ở mức rất lớn, USD tăng giá do được chọn làm nơi "trú ẩn" an toàn cho tài sản. Kịch bản rủi ro này sẽ khiến hoạt động kinh tế toàn cầu giảm sút nghiêm trọng và suy thoái diện rộng. Nếu kịch bản này xảy ra, IMF ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ còn 1%, tức gần như đình trệ, và xác suất xảy ra kịch bản này là 15%.

Dự báo cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Tuy nhiên, IMF dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) năm nay đạt mức 4,6%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 10.2022.

Tờ South China Morning Post dẫn lời Giám đốc bộ phận APAC của IMF Krishna Srinivasan, phát biểu trong một cuộc họp vào 13.4, cho rằng: "Tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc và chạm đáy vào năm 2023. Nhưng bất chấp bối cảnh ảm đạm của một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế thế giới, APAC vẫn là một khu vực năng động".

Dự báo của IMF lạc quan hơn nhiều bên

Về mức dự báo kinh tế APAC tăng trưởng 4,6% trong năm 2023, báo cáo của IMF lạc quan hơn đáng kể so với dự báo tăng trưởng 3,8% dành cho APAC được đưa ra hồi tháng 3 bởi Công ty phân tích Moody's, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody's - đơn vị xếp hạng tín nhiệm tài chính uy tín hàng đầu thế giới. Còn trong báo cáo được đưa ra ngày 28.3 về khu vực APAC, Hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng Standard & Poor's (S&P) dự báo đạt tăng trưởng 4% trong năm nay.

Đối với nền kinh tế Trung Quốc, báo cáo dự báo tăng trưởng đạt 5,2%, tăng thêm 0,8 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 10.2022, và cao hơn mức 5% là mục tiêu mà Trung Quốc công bố hồi tháng 3. Trong khi đó, báo cáo của Công ty phân tích Moody's hồi tháng 3 cũng dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5% trong năm nay.

Liên quan biến cố ngành ngân hàng Mỹ, trong đó có vụ sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB), ông Srinivasan đánh giá: "Căng thẳng của ngành ngân hàng toàn cầu tác động không lớn đến thị trường châu Á". Lý do được ông dẫn chứng là: "Quan hệ giữa các ngân hàng và nhà đầu tư châu Á đối với SVB rất thấp".

Về vấn đề này, trả lời Thanh Niên vào cuối tháng 3, TS Steven Cochrane (Kinh tế gia trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Công ty phân tích tài chính Moody's) cũng cho rằng việc các ngân hàng Mỹ sụp đổ gây "tác động trực tiếp rất ít đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và VN nói riêng". Tuy nhiên, ông chỉ ra 2 tác động gián tiếp là các ngân hàng ở khu vực sẽ hạn chế cho vay và ngân hàng trung ương các nước APAC có thể tăng lãi suất, khiến chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp tăng cao.

Cũng trả lời Thanh Niên vào cuối tháng 3, GS David Dapice (chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ) thì lo ngại thị trường Mỹ tăng trưởng chậm hơn sẽ khiến xuất khẩu của các nước ở APAC sẽ gặp khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.