Kinh tế Trung Đông đối mặt 'ma trận rủi ro'

Thu Thảo
Thu Thảo
02/05/2018 18:46 GMT+7

Tình hình thắt chặt thanh khoản, căng thẳng thương mại và vấn đề cơ cấu đang diễn ra cho thấy kinh tế các nước Trung Đông đối mặt vô số thách thức, giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở khu vực này cho hay.

Theo CNBC, giám đốc Bộ phận Trung Đông và Trung Á của IMF, ông Jihad Azour, cho biết: “Ma trận rủi ro gồm nhiều thành phần địa phương, khu vực và quốc tế. Trên trường quốc tế, căng thẳng thương mại gia tăng có thể tác động lên khu vực, đặc biệt là tác động một cách gián tiếp. Các điều kiện tài chính toàn cầu được thắt chặt cũng là vấn đề, vì nếu lãi suất tiếp tục đi lên và thanh khoản ngày càng thấp, nhiều nước nặng nợ - chủ yếu là các nước nhập khẩu dầu thô vốn có mức nợ trung bình vượt 80% GDP - sẽ bị ảnh hưởng”.
Ông Azour nói thêm: “Cuối cùng, một số nước đã thành công trong việc cải cách nhưng điều quan trọng ở đây là phải giữ động lực phát triển, và giải quyết một số vấn đề cấu trúc. Khu vực cần tạo ra ít nhất 25 triệu việc làm cho thế hệ trẻ trong 5 năm tới”.
Cảnh báo của ông Azour được đưa ra sau khi IMF công bố báo cáo cho kinh tế Trung Đông, Bắc Phi, Afghanistan và Pakistan hôm nay 2.5. IMF cho biết sự thiếu chắc chắn trong giá dầu, động thái thắt chặt điều kiện tài chính và xung đột khu vực là các rủi ro hữu hình đối với triển vọng tăng trưởng khu vực.
IMF thúc giục các nền kinh tế những khu vực trên thay đổi nhiều mặt, từ cải cách trợ cấp năng lượng và lương bổng khu vực công, cho đến công bằng hóa hoạt động thuế. Cải cách thị trường lao động và giáo dục, giúp tăng năng suất và nâng cao cơ hội cho mọi người cũng rất quan trọng.
IMF khen ngợi đầu tư giáo dục và chương trình cải tiến, phát triển của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Iran. Trong khi đó, Ả Rập Xê Út, UAE và các nước còn lại trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng phải theo đuổi chương trình cải cách để chuẩn bị cho nền kinh tế thời kỳ hậu dầu thô.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.