Chia sẻ tại tọa đàm "Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 5.10, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương dẫn chứng Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng GDP khá cao so với các nước khác.
Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%. Quý 3/2023, tăng trưởng GDP đạt 5,33% - đây là con số rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ đã hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông qua các chính sách như giảm thuế, miễn thuế, gia hạn hoặc kéo dài các nghĩa vụ về tài chính khoảng 150.000 tỉ đồng.
Từ góc độ một nhà nghiên cứu bên ngoài, TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore, cho rằng nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đã quan sát Việt Nam có mạnh lên sau đại dịch hay không. "Và thấy rõ Việt Nam mạnh lên sau đại dịch", ông Khương nói.
Chuyên gia này cũng dẫn ví dụ về xuất khẩu gạo đã thể hiện bản lĩnh của Chính phủ Việt Nam và được thế giới đang khen ngợi. Nếu Việt Nam cũng "rối loạn" và cấm xuất khẩu gạo thì chắc chắn mất điểm.
Về mặt điều hành vĩ mô, trong bối cảnh có nhiều rủi ro, nền kinh tế chúng ta mới ở giai đoạn ban đầu, rất nhiều khó khăn nhưng rất vững vàng trong điều hành tỷ giá, lãi suất. Song, trong bối cảnh nhu cầu thế giới suy giảm, mô hình mở rộng theo kiểu cũ, chẳng hạn đầu tư thêm 1 nhà máy may hay 1 nhà máy thép đã hết thời. Thay vào đó phải nâng cấp lên các mô hình mới, đòi hỏi vai trò của Chính phủ trong thời gian sắp tới.
TS Vũ Minh Khương cũng nhấn mạnh cách điều hành của Chính phủ trong thời gian vừa qua giúp cho tâm thế của các địa phương lên rất mạnh. Trong đó có quyết định làm 218 km tàu điện ngầm, hệ thống đường sắt đô thị trong 12, 15 năm tới.
"Mọi người ngồi họp ngày đêm, thu thập tri thức của tất cả. Thế giới họ làm như thế nào, Trung Quốc làm như thế nào, Hàn Quốc làm như thế nào, Singapore làm như thế nào? Chính phủ ủng hộ tuyệt đối rồi, Bộ Chính trị, Quốc hội ủng hộ rồi, thì tại sao chúng ta không làm được? Bây giờ chỉ cụ thể hóa để quyết", TS Khương nhìn nhận và cho rằng Việt Nam đang đứng ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển trong thời gian tới.
ADB hạ dự báo GDP Việt Nam 5,8%
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết dự báo gần đây của ADB công bố vào tháng 9 cho thấy Việt Nam vẫn sẽ dẫn đầu tăng trưởng ở Đông Nam Á ở mức 5,8% cho năm 2023.
ADB đã giảm tốc độ tăng trưởng dự báo của Việt Nam từ 6,5% xuống còn 5,8% cũng như giảm dự báo của cả khu vực Đông Nam Á xuống 4,5%. Nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực nhờ có những chính sách đúng đắn. Việt Nam đã kiểm soát lạm phát rất tốt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng tốt, ngành du lịch dịch vụ đang khôi phục.
Dù GDP không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn cho thấy xu hướng tích cực. Với những nỗ lực lớn từ Chính phủ, mục tiêu mà Chính phủ điều chỉnh, đặt ra là 6% hoàn toàn có thể đạt được.
"Việt Nam không phải nước duy nhất ADB hạ mức dự báo tăng trưởng. Trong khu vực Đông Nam Á, hiệu quả kinh tế hầu như yếu hơn trên toàn khu vực. Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Timor-Leste đều dự kiến sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn trong năm nay. Chỉ một vài nước có triển vọng sáng sủa hơn, bao gồm Brunei, Indonesia và Thái Lan", ông Shantanu đánh giá.
Chuyên gia ADB cũng khuyến nghị Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào phát triển kinh tế tư nhân - khu vực đóng vai trò then chốt của nền kinh tế. Những lỗ hổng, thiếu hụt về hạ tầng hiện nay còn lớn, các khoản ODA còn hạn chế. Vì vậy, cần huy động hơn nữa nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hạ tầng, nhất là hạ tầng có khả năng chống chịu với sự biến đổi khí hậu.
Vấn đề và Giải pháp: Kinh tế khó khăn tới bao giờ?
Bình luận (0)