Theo CNN, tăng trưởng GDP Ấn Độ giảm còn 7,1% vào quý 2/2016. Đây là kết quả đáng thất vọng song vẫn hơn mức tăng 6,7% của Trung Quốc ở quý gần nhất.
Kết quả tăng trưởng của Ấn Độ đến giữa lúc nước này vướng nhiều vấn đề trong tốc độ cải cách kinh tế, lãnh đạo ngân hàng trung ương, chuyện tham nhũng, quan liêu. Giới chuyên gia kinh tế thậm chí hoài nghi độ xác thực của số liệu GDP nước này, chỉ báo vốn tách khỏi nhiều chỉ số khác nhau sau khi quan chức Ấn Độ thay đổi cách tính toán.
Nhà kinh tế Shilan Shah tại Capital Economics ước tính tăng trưởng “dường như chắc chắn yếu hơn” so với những gì số liệu thống kê chính thức thể hiện. Nó có thể chậm ở mức 5,5% hay 6% trong quý vừa rồi. Ngoài ra, hiện có lo ngại cho rằng việc thúc đẩy cải cách của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã dừng lại.
Ông Modi dành lượng vốn chính trị rất lớn để các nhà lập pháp phê duyệt Thuế hàng hóa và dịch vụ của mình hồi tháng 8. Khi được áp dụng, thuế mới có thể thúc đẩy nền kinh tế bằng cách đơn giản hóa hệ thống thuế rắc rối của đất nước. Song với cuộc bầu cử quốc gia sắp đến vào năm 2017, các nhà phân tích lo ngại rằng nhiều kế hoạch quan trọng khác sẽ bị “xếp xó”. Đơn cử, các đề xuất tự do hóa thị trường lao động và cải cách luật sở hữu đất đai lỗi thời ít có cơ hội được xem xét.
Một trong những mục tiêu hàng đầu của Thủ tướng Modi là giảm quy định ràng buộc giới doanh nghiệp nhỏ thì hầu như không tiến triển. Ấn Độ xếp hạng 130 trong chỉ số đo lường gánh nặng pháp lý đặt lên các doanh nghiệp nhỏ của Ngân hàng Thế giới, tăng chỉ bốn bậc so với năm 2015. Cơ sở hạ tầng của nước này hiện chưa đủ và họ sẽ cần hàng thập kỷ để nâng cấp. Thêm vào đó, sự ra đi của Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ Raghuram Rajan cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi, trong đó có việc liệu giám đốc ngân hàng trung ương “ngôi sao” có quá thẳng thắn so với khẩu vị của New Delhi hay không.
Thủ tướng Ấn Độ bảo vệ nhiều tiến bộ đạt được dưới thời ông tại nhiệm, cho hay số liệu đầu tư đang đi lên và cải cách luật phá sản sẽ tạo thêm điều kiện cho các doanh nghiệp gặp khó. Chính phủ đặc biệt tự hào về các nỗ lực nhằm tăng cường đầu tư nước ngoài. Thực tế, chiến dịch của nước này đem lại kết quả khả quan khi đầu tư từ Mỹ tăng 500% trong hai năm qua, đạt 4,2 tỉ USD.
Dù còn nhiều nghi ngại, Ấn độ vẫn là điểm cược hấp dẫn cho các doanh nghiệp đa quốc gia. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng có tiền để chi tiêu và dân số trẻ thì mang lại tiềm năng lớn. Triển vọng biến các ưu điểm trên thành lợi thế chào mời nhiều giám đốc điều hành đến quốc gia Nam Á. CEO Microsoft, Google và Apple đều từng đến thăm Ấn Độ.
tin liên quan
Trong 2 năm, Ấn Độ làm được điều mà Trung Quốc thất bại 15 nămẤn Độ vừa đạt được kỳ tích mà Trung Quốc nỗ lực để có trong 15 năm qua nhưng vẫn bất thành.
Bình luận (0)