Ấn Độ thừa nhận đổi tiền làm kinh tế tổn thương

08/12/2016 15:47 GMT+7

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) vừa thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng tiền mặt hiện tại đang làm tổn thương nền kinh tế nước nhà.

Theo CNN, ngân hàng trung ương cắt giảm dự báo tăng trưởng cho năm tài khóa hiện tại một nửa điểm phần trăm, với lý do “thiếu chắc chắn” đến sau quyết định gây sốc của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là vô giá trị tờ bạc 500 và 1.000 rupee.
Lệnh cấm sử dụng giấy bạc cũ được công bố hôm 8.11, đột ngột rút khỏi lưu thông 88% tiền giấy hợp pháp, dẫn đến tình hình thiếu hụt tiền mặt “cấp tính”. Cùng lúc, hơn 90% giao dịch thường ngày ở Ấn Độ sử dụng tiền mặt. Giới phân tích dự báo cảnh hỗn loạn hiện tại có thể xóa mất 1 điểm phần trăm trong mức tăng GDP 7,3% của Ấn Độ trong hai quý tiếp theo.
Ngân hàng trung ương cũng thấy nhiều bằng chứng về mức tăng trưởng giảm đi khi hàng triệu người Ấn tiếp tục xếp hàng để gửi giấy bạc vô giá trị. RBI dự kiến thiệt hại từ đợt khủng hoảng tiền mặt chỉ là tạm thời song vẫn hạ một trong những chỉ số kinh tế quan trọng. Nhà băng hiện dự kiến tăng trưởng là 7,1% trong năm nay, giảm từ mức ước tính ban đầu là 7,6%.
Hơn 80% trong tổng số 14.000 tỉ rupee, tương đương 209 tỉ USD, giấy bạc bị vô hiệu hóa đã được gửi trả lại. Dù vậy, RBI chỉ vừa cung cấp 4.000 tỉ rupee, tương đương 56 tỉ USD, tiền giấy mới thay thế trong tháng 11, để lại khoảng trống tiền mặt lớn trong nền kinh tế.
Dù thiếu hụt tiền, RBI vẫn giữ lãi suất ở 6,25%. Quyết định này khiến giới chuyên gia kinh tế, những người dự báo ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất trong nỗ lực đối phó với khủng hoảng tiền tệ, ngạc nhiên.
“Nếu hoạt động kinh tế bị tác động như nhiều người lo ngại, cách tiếp cận ngồi yên và quan sát của RBI có thể bị xem là tự mãn”, giới phân tích thuộc Capital Economics nói. RBI, cơ quan có trách nhiệm in tiền giấy thay thế cho các tờ bạc cũ, cũng lên tiếng bảo vệ vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng tiền mặt. Thống đốc RBI Urjit Patel cho hay: “Quyết định cấm giấy bạc không được thực hiện một cách vội vàng, mà thực hiện sau các cuộc thảo luận chi tiết. Tính bảo mật cao phải được duy trì”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.