Bộ Tài chính vay 30.000 tỉ đồng: In tiền sẽ gây áp lực nợ công

30/07/2015 14:26 GMT+7

(TNO) Các chuyên gia cảnh báo nếu vội vã in thêm tiền, hoặc sử dụng các quỹ từ Ngân hàng Nhà nước để cho vay, sẽ có thể gây áp lực lên nợ công và nguy cơ đẩy lạm phát tăng trở lại.

(TNO) Các chuyên gia cảnh báo nếu vội vã in thêm tiền, hoặc sử dụng các quỹ từ Ngân hàng Nhà nước để cho vay, sẽ có thể gây áp lực lên nợ công và nguy cơ đẩy lạm phát tăng trở lại.

In-tienIn tiền cho vay có thể khiến lạm phát tăng cao - Ảnh: Ngọc Thắng

Lý giải cho đề xuất vay của Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỉ đồng để bổ sung vào ngân sách, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của luật Ngân sách nhà nước và luật Ngân hàng Nhà nước, khi ngân khố quốc gia thiếu hụt, tạm thời có thể vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước và hoàn trả ngay trong năm. Bộ Tài chính cũng đã tính đến tác động tiêu cực đối với việc điều hành chính sách tiền tệ nên sẽ kết hợp hài hòa giữa chính sách này và chính sách tài khóa, bằng các công cụ thích hợp, thông qua nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước. Do đó, theo ông Hải, có thể kiểm soát được để không gây ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, với bất cứ quốc gia nào, việc Bộ Tài chính vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước là điều bình thường, dễ hiểu. Nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay, phải hết sức thận trọng. Thứ nhất, nguồn dự trữ ngoại hối từ Ngân hàng Nhà nước vừa tuyên bố có 37 tỉ USD, 10 tấn vàng lớn nhất từ trước tới nay nhưng không thể dùng để cho vay. Bởi nó được dùng để can thiệp, điều hành giữ ổn định tỷ giá theo mục tiêu cam kết của Ngân hàng Nhà nước tăng không quá 2% trong năm 2015.

Thứ hai, đối với các quỹ khác như Quỹ điều hành chính sách tiền, Quỹ dự phòng tài chính… đều là các loại quỹ tối quan trọng, dùng can thiệp và điều hành chính sách trong các trường hợp rủi ro. “Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước phải liên tiếp mua lại các ngân hàng, bơm tiền vào tái cơ cấu lại. Như vậy, nếu vay nguồn này, lỡ có sự cố xảy ra trong hệ thống thì lấy tiền đâu xử lý. Trong khi, các quỹ này cũng không đáng kể gì”, ông Hiếu cho biết.

Cắt giảm chi tiêu 

Nguồn lực dồi dào nhất của Ngân hàng Nhà nước hiện nay nằm ở lượng tiền phát hành. Nhưng hàng năm, theo ông Hiếu, lượng tiền in ra bao nhiêu được tính toán chặt chẽ, dựa trên các yếu tố về lạm phát, lượng vàng, ngoại tệ dự trữ cân đối. “Nếu in thêm tiền để cho vay, chắc chắn sẽ gây áp lực lớn đến nợ công, cũng như gia tăng bất ổn vĩ mô, từ việc không kiểm soát được lạm phát", chuyên gia này khuyến cáo.

Chuyên gia tài chính, tiến sĩ Ngô Trí Long cũng bình luận: Việc in thêm tiền, đòi hỏi phải tạo ra được nguồn hàng tương ứng. Khi khối lượng tiền trên được bơm vào nền kinh tế mà không làm gia tăng được lượng hàng tương ứng, chắc chắn sẽ đẩy giá cả tăng thêm, gây ra lạm phát.

“Không nên vì khó khăn trước mắt mà vội vã huy động bù đắp ngân sách bằng kênh này. Nên chăng chúng ta tính toán tới việc cắt giảm chi tiêu, đặc biệt chi thường xuyên. Có như vậy mới giảm được bội chi, giảm áp lực trả nợ”, ông Long đề nghị.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng đề xuất: “Căn cơ hơn là tăng cường xử lý nợ đọng thuế, giảm chi tiêu. Hỗ trợ doanh nghiệp, hồi phục làm ăn có lãi nộp tiền cho ngân sách. Còn việc đi vay thì chỉ là nhất thời, không bền vững lại rất rủi ro cho chính sách tiền tệ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.