Bước tiến mới của thị trường vốn Đông Nam Á

08/10/2013 03:05 GMT+7

Việc Singapore, Malaysia và Thái Lan đạt thỏa thuận mới về hợp tác đầu tư xuyên biên giới mở ra cơ hội phát triển cho thị trường vốn ASEAN.

Việc Singapore, Malaysia và Thái Lan đạt thỏa thuận mới về hợp tác đầu tư xuyên biên giới mở ra cơ hội phát triển cho thị trường vốn ASEAN. 

Bước tiến mới của thị trường vốn Đông Nam Á
Dòng chảy vốn giữa Singapore với Malaysia và Thái Lan đang được mở rộng - Ảnh: H.Đ

Ngày 5.10, báo Malaysia The Star đưa tin các nhà đầu tư nước này sẽ sớm có thêm lựa chọn xuyên biên giới, tiếp cận các quỹ đầu tư trong khu vực. Kết quả này có được từ thỏa thuận vừa được ký kết hồi đầu tháng 10, giữa Ủy ban Chứng khoán Malaysia, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore cùng Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Thái Lan.

Theo thỏa thuận vừa ký trên, các nhà quản lý quỹ Malaysia, Thái Lan và Singapore có thể cung cấp dịch vụ đầu tư trực tiếp cho những nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ của nhau. Thỏa thuận còn đảm bảo cả 3 nước sẽ tạo điều kiện hỗ trợ các mô hình chương trình đầu tư tập thể được phát triển rộng rãi xuyên biên giới. Như vậy, những nhà quản lý quỹ địa phương có thể mở rộng hoạt động và ngược lại cũng phải đối mặt với thách thức trực tiếp từ các nhà đầu tư ở hai nước kia. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra sự thuận lợi cho dòng vốn lưu chuyển giữa Malaysia - Thái Lan - Singapore.

Về lâu dài, thỏa thuận trên còn là tiền đề hình thành hiệp định khung về chương trình đầu tư tập thể (CIS) cho khu vực ASEAN để tiến tới thống nhất thị trường vốn. Hình thành hiệp định khung CIS cho ASEAN là một sáng kiến bởi Diễn đàn thị trường vốn ASEAN, tất cả nhằm đạt mục tiêu thiết lập một nền kinh tế tích hợp cho cả khối. Vì thế, thỏa thuận giữa Malaysia - Thái Lan - Singapore có thể cũng sớm được nhân rộng ra cho các thành viên khác trong ASEAN. Từ đó, Đông Nam Á có thêm ưu thế về lưu chuyển tự do dòng vốn để thu hút các nhà đầu tư quốc tế. The Star dẫn lời ông Datuk Ranjit Ajit Singh, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Malaysia, cho biết: “Điều này phù hợp với mục tiêu thúc đẩy dòng vốn xuyên biên giới trong khu vực và xây dựng hình ảnh thương hiệu ASEAN như một tài sản”.

Tuy nhiên, các thành viên của khối cũng sẽ đối mặt với thách thức không nhỏ nếu chưa hoàn thiện môi trường đầu tư để cạnh tranh với các thị trường khác.

Malaysia hoàn thành 80%

Cuối tháng 9, trang tin Malaysia Chronicle dẫn lời ông Datuk Seri Mustapa Mohamed, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia, cho hay nước này về cơ bản đã hoàn thành 80% quá trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Theo kế hoạch, vào năm 2015, AEC sẽ chính thức hình thành để tạo ra một thị trường chung với 600 triệu dân và tổng GDP lên đến 2.000 tỉ USD.

Ngoài ra, ông Mustapa Mohamed cũng thông tin Tập đoàn dầu nhớt Shell vừa cam kết đầu tư thêm 1 tỉ USD cho ngành dầu khí Malaysia. Thời gian qua, Shell đã hoạt động khá vững vàng tại nước này với hơn 6.500 nhân viên.

Hoàng Đình 

>> Cơ hội đầu tư mới tại thị trường vốn ASEAN
>> Cơ hội thâm nhập thị trường vốn quốc tế cho DN Việt Nam
>> Không đánh thuế trên lãi và gốc của trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường vốn quốc tế
>> Phát hành 1 tỉ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế
>> Một thị trường vốn vững chắc sẽ thu hút các nhà đầu tư đến VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.