Công thức thành công của các doanh nghiệp hàng đầu Mỹ

28/04/2016 17:06 GMT+7

Những câu chuyện thành công của các doanh nghiệp công nghệ phát triển nhanh nhất Thung lũng Silicon, như Google, Amazon hay Uber, đều có chung một mô-típ.

Theo cây bút Vivek Wadhwa của trang Quarzt, điểm chung của các hãng công nghệ phát triển nhanh nhất nước Mỹ, như Google, Amazon, Uber, eBay hay AirBnb, là họ không tập trung vào việc bán sản phẩm, mà chú trọng xây dựng nền tảng.

Khả năng tận dụng và gia tăng hiệu quả mạng là điều mà ngành công nghệ Mỹ đã học và hoàn thiện từ lâu. Đây là yếu tố cung cấp cho Thung lũng Silicon lợi thế so với các đối thủ trong tất cả các ngành ở thời đại mà mọi thông tin đều được số hóa.

Nền tảng không phải là khái niệm mới, đó đơn giản là cách để xây dựng một thứ gì đó mở, toàn diện và có chiến lược tập trung. Hãy suy nghĩ về sự khác biệt của một cửa hàng ven đường và trung tâm mua sắm. Trung tâm mua sắm có nhiều lợi thế về kích thước và quy mô, mỗi cửa hàng trong trung tâm đều hưởng lợi từ hoạt động tiếp thị và quảng cáo của những cửa hàng khác. Họ chia sẻ chung cơ sở hạ tầng và kinh phí.

Apple đã học được điều này một cách khó khăn trong thập niên 1980, khi họ tạo ra những phiên bản đầu của máy tính Macintosh. Thế hệ máy tính này có hệ điều hành, phần cứng và các ứng dụng độc quyền, khép kín.

Tỉ phú Bill Gates, ngược lại, nhận ra rằng chìa khóa mở cửa lợi nhuận và sức mạnh là hệ điều hành và hệ sinh thái phát triển mạnh. Do đó, Bill Gates thiết kế Microsoft Windows dưới dạng hệ thống mở, nơi những người tham gia khác có thể cung cấp phần cứng và phần mềm. Số chương trình chạy trên hệ điều hành Windows tỷ lệ thuận với lượng người dùng muốn sở hữu nó và vì thế, ngày càng có nhiều nhà phát triển tạo ra thêm ứng dụng. Windows gần như trở thành độc quyền những năm 1990, khi Apple bên bờ vực phá sản.

May mắn cho Apple là vào năm 2007, ông Steve Jobs đã tìm ra lợi thế của Microsoft. Nhà đồng sáng lập hãng táo khuyết xây dựng nền tảng mở iPhone App Store và iTunes, nơi nhiều người có thể cung cấp nội dung. Khi đó, top 5 hãng điện thoại là Nokia, Samsung, Motorola, Sony Ericsson và LG đang sở hữu 90% lợi nhuận trong ngành này, song Apple vẫn vươn lên và phát triển cho đến hôm nay.

Tỉ phú Bill Gates và nhà sáng lập Apple Steve Jobs có hướng đi khác nhau trong những ngày đầu - Ảnh: AFP

Apple đã có thể kết nối các nhà phát triển ứng dụng với người dùng ứng dụng trong thị trường mà cả đôi bên cùng có lợi. Số nhà phát triển tăng thì số người dùng cũng tăng. Điều này tạo ra “hiệu ứng mạng”, quá trình mà sản xuất nhiều hơn thu hút tiêu thụ đi lên, rồi tiếp tục dẫn đến sản xuất nhiều hơn.

Một ví dụ khác là cách báo chí liên kết với các nhà quảng cáo và bạn đọc. Điều thay đổi duy nhất là công nghệ phát triển làm giảm nhu cầu sở hữu hạ tầng và tài sản, khiến việc xây dựng nền tảng kỹ thuật số trở nên rẻ hơn.

Các tác giả Geoffrey Parker, Marshall Van Alstyne và Sangeet Choudary của quyển Cách mạng nền tảng gọi các doanh nghiệp truyền thống là “đường ống”, tạo ra giá trị bằng cách kiểm soát chuỗi quá trình. Hoạt động kinh doanh thiết bị cầm tay của Apple cũng là một đường ống cổ điển, song khi kết hợp với App Store - nơi kết nối nhà phát triển với người sử dụng - nó đã trở thành một nền tảng. Nền tảng tăng trưởng theo cấp số nhân với các hiệu ứng mạng.

Các công ty truyền thống hoạt động hiệu quả nhờ tối ưu lao dộng và quy trình. Đối với nền tảng, hoạt động hiệu quả là khi tạo được điều kiện tương tác lớn hơn giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Uber có ý định chiến lược là cung cấp ô tô tự lái, nhưng trong lúc ngành công nghệ vẫn đang phát triển, họ xoay sở với các tài xế bình thường. Uber đã xây dựng nền tảng cho phép sự phát triển nhanh chóng khi công nghệ, hành vi người tiêu dùng và các quy định thay đổi.

Các doanh nghiệp như Walmart, Nike, John Deere và General Electric cũng đang hướng đến xây dựng nền tảng trong ngành công nghiệp của họ. Đơn cử, nhà sản xuất John Deere đang muốn trở thành trung tâm cho các sản phẩm nông nghiệp. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.