Theo Financial Times, chuyện số doanh nghiệp Trung Quốc phá sản tăng mạnh trong năm 2016 cũng cho thấy nỗ lực của chính phủ nước này trong việc giảm công suất dư thừa ở các ngành công nghiệp.
Cụ thể, tòa án Trung Quốc chấp thuận 5.665 trường hợp phá sản vào năm ngoái, tăng 54% so với một năm trước. Trong số này, khoảng 3.600 trường hợp đã được giải quyết và 85% trường hợp ngừng hoạt động kinh doanh.
“Việc này liên quan đến nỗ lực loại bỏ các công ty “xác sống”, giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn. Các tòa án tỉnh cũng nhắc đến vấn đề này khi báo cáo số trường hợp phá sản. Trung Quốc đang cứu các công ty có thể được cứu và cho ngừng hoạt động các doanh nghiệp không thể cứu vãn”, chuyên gia luật Susan Finder tại Shenzhen Graduate School thuộc Đại học Bắc Kinh cho hay.
Tòa án Đại lục không đưa ra con số cụ thể cho từng vùng song các doanh nghiệp tọa lạc ở phía đông Trung Quốc - vùng được biết đến với hoạt động sản xuất năng động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ - có vẻ như chiếm phần lớn số vụ phá sản. Chỉ riêng tỉnh Chiết Giang và tỉnh Giang Tô đã có 1.600 doanh nghiệp phá sản.
Nhiều công ty gặp khó cũng nằm ở phía đông bắc Trung Quốc. 346 công ty xin phá sản thuộc Liêu Ninh - tỉnh ghi nhận mức giảm 23% trong GDP năm qua giữa đà suy thoái ngành công nghiệp nặng. Liêu Ninh là tỉnh có một trong những vụ phá sản doanh nghiệp lớn vào năm ngoái, đó là trường hợp hãng Dongbei Special Steel Group chính thức bước vào quá trình tái cơ cấu sau khi liên tiếp vỡ nợ trái phiếu.
Trung Quốc có hàng ngàn doanh nghiệp “xác sống” không khả thi về mặt kinh tế nhưng vẫn sống nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngân hàng nhà nước. Cũng trong năm 2016, giới chức Đại lục liệt kê 2.041 doanh nghiệp quốc doanh “xác sống”, cho biết tổng tài sản của những công ty này là 3,1 tỉ nhân dân tệ.
Giới lập pháp Đại lục thông qua luật phá sản mới năm 2007 nhưng nó ít khi được dùng. Tranh chấp nợ thường được xử lý bằng các cuộc đàm phán không chính thức, chủ yếu là vì giới chức địa phương thường lo về khả năng kéo cao tỷ lệ thất nghiệp hơn là về các chủ nợ bất bình.
“Kinh tế Trung Quốc đang đi xuống và điều này gia tăng số lượng các vụ phá sản”, Giáo sư luật Ye Zengsheng tại Đại học Chiết Giang nói. Tổng thể, số trường hợp phá sản ở Trung Quốc vẫn ở mức thấp vì chính quyền sử dụng nhiều biện pháp như hoán đổi nợ với cổ phần để giúp doanh nghiệp không trả nổi nợ sống khỏe.
Năm 2016, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,7%, chậm nhất kể từ năm 1990. Từ năm 2008 đến năm 2015, chính quyền Đại lục chấp thuận gần 20.000 trường hợp phá sản.
tin liên quan
Kinh tế Trung Quốc 'nguy hiểm' trong năm 20172017 là một năm nguy hiểm với kinh tế Trung Quốc khi nước này đối mặt với nợ xấu và tăng trưởng tài sản thiếu bền vững.
Bình luận (0)