Theo CNBC, một nhà kinh tế cho hay dù Trung Quốc vừa công bố số liệu sản xuất tích cực trong tuần này, vẫn còn nhiều vấn đề cần được nhận biết và giải quyết trong hệ thống.
“Bạn không thể chỉ tập trung vào chuyện năng suất dư thừa mà không tập trung vào chính sách chính phủ trong việc trợ cấp sản xuất hay về mặt hệ thống tài chính. Trung Quốc đã kéo dài chu kỳ và cố gắng xoay sở với các khoản vay, để như thế không doanh nghiệp nào phá sản”, nhà kinh tế Andy Xie nhận định.
Theo ông Xie, chính phủ Trung Quốc cần ngừng thúc đẩy ngành công nghiệp bằng cách trợ cấp đầu tư, vì việc này sẽ tiếp tục thổi bùng chuyện năng suất dư thừa. Yếu tố này sau đó sẽ được thúc đẩy bởi việc các hộ gia đình đổ xô vào bong bóng tài sản.
“Điều đó phá hủy nhu cầu khu vực hộ gia đình và bạn có được một cái vòng luẩn quẩn. Lĩnh vực công nghiệp sẽ không bao giờ khỏe trở lại”, ông Xie nói.
Chuyên gia kinh tế này đưa ra bình luận trên sau khi Trung Quốc công bố chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) trong tháng 12.2016 ở mức tăng nhanh nhất trong vòng ba năm. Tháng trước, Caixin PMI dừng ở 51,9 điểm, tăng từ mức 50,9 trong tháng 11.2016. Bất kỳ con số nào trên 50 đều thể hiện sự gia tăng.
Song theo ông Xie, việc hoạt động sản xuất ở Trung Quốc mở rộng không có nghĩa là thị trường rộng lớn hơn đang diễn biến tốt: “Dù chúng ta vừa thấy sự đi lên trong sản xuất, tiền tệ Trung Quốc tiếp tục chịu áp lực giảm giá. Điều này cho thấy chính sách hiện thời là không tốt cho nền kinh tế trong dài hạn”.
tin liên quan
Trung Quốc thắt chặt kiểm soát mua ngoại tệTrung Quốc sẽ tiếp tục thắt chặt kiểm soát việc mua ngoại tệ của người dân nhằm hạn chế dòng vốn thoái lớn ra khỏi đất nước, giữa lúc giá trị nhân dân tệ giảm mạnh so với đô la Mỹ.
Bình luận (0)