Việc ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tuyên bố có thể bán 20.000 ha cao su tại Lào cho một số đối tác Trung Quốc lấy 8.000 tỉ đồng trả nợ đang được dư luận đặc biệt quan tâm bởi đây là vị trí chiến lược, sát với biên giới VN.
Có ý kiến cho rằng, tập đoàn này đang "dọa" nhà nước vì trước đó, thời điểm cuối tháng 12.2015, HAGL đã có văn bản gửi Chính phủ xin tái cơ cấu nợ do giá cao su xuống quá thấp. Nhưng đã hơn 9 tháng trôi qua, việc này vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng khiến HAGL rơi vào khó khăn. Trong khi các chủ nợ, trái chủ, cổ đông, các nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa thì vấn đề tái cơ cấu nợ cho HAGL vẫn đang được cân nhắc. Nhưng trên thực tế, “chiếu” theo các quy định hiện hành, HAGL đương nhiên được hưởng các ưu đãi này.
|
|
Đương nhiên được hưởng ưu đãi
Theo Quyết định (QĐ) 482 của Thủ tướng Chính phủ ngày 14.4.2010 “Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới VN - Lào - Campuchia” thì HAGL là doanh nghiệp (DN) thuộc các tỉnh nằm trong “vùng biên giới”. Tập đoàn này cũng đáp ứng đầy đủ điều kiện được hưởng ưu đãi dành cho các DN “thực hiện mục tiêu sản xuất kinh doanh điện, có nhập khẩu điện về VN; khai thác, chế biến dầu khí, muối mỏ, quặng sắt, bauxite; trồng và chế biến sản phẩm từ cây công nghiệp; sản xuất chế biến, bảo quản sản phẩm nông - lâm nghiệp, thủy sản” quy định tại điều 2 của QĐ này.
Cụ thể, trong lĩnh vực trồng và chế biến sản phẩm công nghiệp, tập đoàn này đang sở hữu 38.500 ha cao su, 29.000 ha cọ dừa, hơn 6.000 ha mía đường và khoảng 4.000 ha cây ăn trái tại 2 nước Lào - Campuchia. Kèm theo đó, HAGL cũng xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su, nhà máy chế biến đường và nhà máy cọ dầu ngay trong vùng nguyên liệu ở các nước này. Không chỉ đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại Lào nói chung và các tỉnh đang gặp nhiều khó khăn như Attapeu, Sekong, Huaphan..., HAGL cũng đã xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội như hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã; thi công hệ thống điện, trường học, bệnh viện tỉnh, nhà ở tái định cư, ủng hộ các phong trào của bản làng. Đáp ứng đầy đủ điều kiện “gắn hợp tác đầu tư với việc nâng cao đời sống cư dân biên giới, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới” để hưởng ưu đãi theo QĐ 482 của Thủ tướng Chính phủ như nói trên.
|
Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, hoạt động đầu tư, vay vốn của HAGL từ trước đến nay hoàn toàn theo lãi suất thị trường mà không áp dụng theo QĐ này. Đặt trường hợp tập đoàn này được hưởng các ưu đãi về lãi suất (khoảng 5%/năm) thì có lẽ, ngay cả giá cao su xuống đến mức hiện tại, chắc chắn sẽ không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của HAGL như hiện nay.
Không chỉ QĐ 482, theo Nghị định 55 của Chính phủ ban hành ngày 9.6.2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn liên quan đến vấn đề cơ cấu nợ và vay nợ mới thì: “Trường hợp khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn cho tổ chức tín dụng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng”.
Thông tư số 10 hướng dẫn nghị định này còn cụ thể hơn. Theo đó, các tổ chức tín dụng “căn cứ quy định hiện hành và khả năng tài chính của mình, xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác (bao gồm cả miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau) nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh”.
Như vậy, chiếu theo các quy định trên, HAGL đương nhiên được hưởng các ưu đãi về cơ chế, lãi suất chứ không còn là câu chuyện cứu hay không cứu DN này như cách mà chúng ta đang nói đến.
DN thiệt ít, xã hội thiệt nhiều
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cũng khẳng định căn cứ vào QĐ 482 thì HAGL đáp ứng đầy đủ điều kiện để được ưu đãi. Tuy nhiên, trong câu chuyện của tập đoàn này, cách đặt vấn đề không phải là DN làm ăn giỏi hay kém mà còn là vấn đề mục tiêu quốc gia. Theo ông Thiên, những dự án của HAGL tại Lào, Campuchia mang nhiều ý nghĩa quốc phòng, an ninh biên giới cũng như ngoại giao giữa 3 nước chứ không chỉ đơn thuần để kiếm lãi như các dự án bình thường khác.
Hơn nữa, khó khăn của HAGL hiện nay đến từ yếu tố khách quan, do giá cao su thế giới giảm quá mạnh dẫn tới mất thanh khoản về dòng tiền nên trường hợp này cần thiết phải xem xét giải quyết. “Để một DN chết thì rất dễ nhưng đứng trên quan điểm quốc gia thì phải tỉnh táo xem xét mọi khía cạnh. Chúng ta xây dựng bao nhiêu năm mới được một DN lớn? Đằng sau một DN lớn là mấy chục ngàn lao động, là bao nhiêu gia đình, nhân khẩu? Số phận họ sẽ như thế nào? Đó là tất cả những vấn đề phải được đặt ra”, ông Thiên nói thẳng và nêu quan điểm: “Đối với các DN lớn như HAGL, phải coi là tài sản quốc gia và phải đặt mục tiêu tái cơ cấu theo hướng tích cực. Phải cân nhắc giữa lợi ích đại cục và lợi ích thông thường để có hướng giải quyết cho thỏa đáng”.
Đồng quan điểm, một chuyên gia kinh tế cho rằng, để tìm đáp án cho vấn đề của HAGL cứ cân nhắc giữa lợi và hại trong việc cứu hay không cứu DN này. Bao nhiêu năm qua tập đoàn này đã đóng góp rất lớn cho ngân sách, tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho xã hội... Từ đầu tư trong nước, đã vươn ra nước ngoài nên vấn đề của HAGL không đơn thuần chỉ là kinh tế mà còn để đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định biên giới Việt - Lào.
“Nếu cứu họ, chúng ta vẫn còn nguyên tất cả những điều đó. Còn không cứu, tôi nghĩ họ cũng chẳng chết nhưng cái mất của đất nước, của xã hội thì lớn hơn nhiều so với các mất mát của DN”, chuyên gia này nói và kết luận: Chúng ta đang đặt vấn đề cứu hay không cứu HAGL nhưng nếu xét theo QĐ 482 thì họ đương nhiên được hưởng những ưu đãi đó rồi.
Đằng sau những cánh rừng cao su
Tổng tài sản của tập đoàn đến ngày 30.6 là 51.106 tỉ đồng, gần gấp đôi tổng nợ. Nếu bán cao su tại Lào, HAGL sẽ trả bớt được 8.000 tỉ đồng nợ, giảm gánh nặng xuống một cách đáng kể. Nhưng đằng sau đó lại là số phận của hàng ngàn, hàng vạn công nhân VN đã theo tập đoàn này qua đây khai hoang, mở đất cả chục năm trước.
|
Nếu ai đã từng qua Attapeu sẽ thấy niềm tự hào về dấu ấn của một DN Việt ở xứ người. Những “cao su trồng tính bằng núi”, “mía trồng tính bằng ki lô mét” và hàng trăm ngàn đường ống dẫn nước để khuất phục sự khô cằn của đất đai vùng Nam Lào này đã được hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, công nhân viên đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu. Những nhà máy, trường học, bệnh viện, điện được kéo vào tận những ngôi làng khang trang xen giữa những cánh rừng cao su xanh ngát. Không hề quá lời khi nói rằng, Attapeu đã thay da đổi thịt từ khi HAGL đầu tư vào đây. Tập đoàn này cũng giúp chính phủ Lào xây dựng hai sân bay tại 2 tỉnh Attapeu và Huaphan; trong đó, sân bay Nongkhang tại tỉnh Huaphan có một vị trí chiến lược quan trọng giữa hai đất nước Lào và VN...
Không chỉ người của HAGL, còn rất nhiều người Việt qua Attapeu sinh kế thông qua việc cung cấp dịch vụ cho các nhà máy, các nông trường của HAGL. Rất dễ gặp những quán xá, những dịch vụ, những hộ kinh doanh cá thể của người Việt được mở ra nơi đây. Họ đã coi Attapeu là quê hương thứ 2 của mình... Không ai biết điều gì sẽ xảy ra, số phận của các công nhân VN sẽ ra sao nếu một DN Trung Quốc nào đó sẽ tiếp quản các cánh rừng cao su của HAGL tại Lào, nơi rất gần để có thể nhìn sang địa phận tỉnh Kon Tum của VN.
Rõ ràng, đây không còn là câu chuyện của một DN, nó là chiến lược của cả một quốc gia.
Bình luận (0)