Một trong những nguy cơ người trồng tiêu phải đối mặt là dịch bệnh chưa có thuốc đặc trị, được cảnh báo tại hội nghị phát triển hồ tiêu an toàn, bền vững để nâng cao giá trị, do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức tại Gia Lai ngày 10.8. Hội nghị có sự tham dự của đại biểu 9 tỉnh gồm khu vực Tây nguyên, Đông Nam bộ và duyên hải Nam Trung bộ.
Phá vỡ quy hoạch
Theo thống kê của Bộ Công thương, trong 7 tháng đầu năm VN xuất khẩu được 122.000 tấn hồ tiêu, đạt giá trị 990 triệu USD. Năm 2015, ngoại tệ thu được từ hồ tiêu đạt hơn 1,2 tỉ USD. Giá trị này đã và đang đưa VN trở thành “cường quốc” hồ tiêu của thế giới.
Hiện VN có trên 100.000 ha hồ tiêu, tập trung ở các tỉnh Tây nguyên, Đông Nam bộ, chiếm hơn 97% diện tích. Với giá hồ tiêu lúc cao điểm lên đến hơn 200.000 đồng/kg, nhiều vùng nông dân đã đốn hàng ngàn héc ta các loại cây khác để trồng hồ tiêu. Sự phát triển quá nóng về diện tích đã phá vỡ quy hoạch cây trồng tại nhiều địa phương, trong đó các tỉnh như Gia Lai, Đắk Lắk, diện tích hồ tiêu đã vượt gấp đôi quy hoạch. Theo nhiều đại biểu, thực tế diện tích hồ tiêu của VN đã vượt xa con số trên 100.000 ha. Và nếu giá cà phê chưa có dấu hiệu chạm ngưỡng 40 triệu đồng/tấn thì sẽ có nhiều diện tích cây này bị phá bỏ để chuyển sang trồng hồ tiêu.
Điều đáng nói, với mỗi héc ta hồ tiêu trồng mới, người dân phải tốn chừng 300 - 500 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn với nông dân, nhưng nhiều hộ vẫn sẵn sàng thế chấp tài sản vay nợ, huy động tiền để phát triển hồ tiêu. Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), lo lắng: “Hồ tiêu Gia Lai phát triển quá nóng rồi. Nhiều vùng thổ nhưỡng không thật sự thích hợp cho hồ tiêu cũng được người dân trồng. Muốn trồng hồ tiêu phải thật sự là nhà giàu. Tôi nói là giàu theo hai nghĩa, ngoài có tiền đầu tư thì phải giàu về kỹ thuật, nghĩa là nông dân phải thật sự am hiểu kỹ thuật canh tác hồ tiêu. Rất nhiều nông dân không hiểu loại cây này. Đổ nợ, tán gia bại sản với hồ tiêu như chơi nếu vườn tiêu ngã bệnh”.
Chưa có “thuốc đặc trị”
Hai loại bệnh trên hồ tiêu mà nông dân lo lắng nhất là chết nhanh và chết chậm, do các loại nấm gây ra. Các bệnh này khi tiêu mắc phải thường lây lan và gây chết rụi cả vườn khi đang độ sung mãn, khiến người trồng tiêu trắng tay. Trong khi đó, nhiều chuyên gia và đại diện các tỉnh đều chỉ đưa ra khuyến cáo “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bởi hiện vẫn chưa có loại “thuốc đặc trị” những bệnh này.
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, trong 3 năm từ 2014 - 2016, có gần 25.000 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm. Do chưa có thuốc đặc trị, nên nhiều nông dân cứ thấy loại thuốc nào trên bao bì ghi phòng các loại bệnh này đều mua về dùng, thậm chí có người còn trộn thuốc với... trứng gà phun lên lá tiêu để trị bệnh! Hậu quả là nhiều vườn tiêu ở vùng chuyên canh với thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê thuộc các huyện Chư Sê, Chư Pưh (Gia Lai) đã bị chết trụi. Ông Nguyễn Hoàng Đông, một nông dân ở H.Chư Pưh, cho biết: “Vườn tiêu hơn 1 ha của tôi bị bệnh chết chậm. Tôi tốn rất nhiều tiền mua thuốc để cứu nhưng thất bại, tiêu chết gần hết. Không có đại lý thuốc bảo vệ thực vật nào dám cam kết có thuốc chữa được bệnh cho vườn tiêu của tôi”.
Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu, khuyến cáo nông dân cần sử dụng các biện pháp canh tác với mục đích phòng bệnh là chính. “Dùng thuốc hóa học xem như là biện pháp cuối cùng. Nhiều vườn tiêu khi sử dụng thuốc vẫn bị chết rụi như thường vì tác dụng của thuốc chưa thực sự tốt và hiệu lực của thuốc có hạn”, ông Ngọc nói và cho biết trung tâm vừa phối hợp với Trung tâm khuyến nông quốc gia xây dựng quy trình sản xuất hồ tiêu bền vững, sẵn sàng phổ biến với hy vọng giúp ích cho nông dân trồng tiêu. Còn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh Bộ đã có nhiều chỉ đạo và thành lập các tổ công tác nghiên cứu giải pháp phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu. “Các cấp trực thuộc đã tập huấn cho hàng chục ngàn lượt nông dân trồng hồ tiêu về các giải pháp phòng, chống bệnh. Người dân cần tham gia đầy đủ để có thêm kiến thức trong canh tác hồ tiêu, nhằm xây dựng và phát triển mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững”, Thứ trưởng Doanh lưu ý.
Nhổ bỏ cây bệnh
Bệnh chết nhanh (do nấm phytophthora gây ra) và chết chậm (nấm fusarium oxysporum) đều khiến cây tiêu bị héo, lá chuyển vàng, rụng lá dẫn đến tiêu chết. Trong đó, bệnh chết nhanh thường phát sinh và phát triển mạnh trong môi trường có độ ẩm cao, nhất là trong mùa mưa. Toàn bộ rễ tiêu bị thối, đặc biệt ở phần cổ rễ khiến cây không hấp thu được chất dinh dưỡng, khiến tiêu chết chỉ trong vòng trên dưới một tháng. Trong khi đó, bệnh chết chậm có diễn biến từ vài tháng đến cả năm. Nấm fusarium oxysporum sống trong đất tấn công khiến phần mạch dẫn nhựa của cây tiêu bị hư hại, dẫn đến chất dinh dưỡng không được đưa lên nuôi thân cây... Cả hai loại bệnh này đều có khả năng lây lan nhanh và còn lưu cữu trong những vườn tiêu đã chết, hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị vì khi phát hiện bệnh thì cây đã bị hư bộ rễ, rất khó hồi phục.
Theo ông Hoàng Quân Bảo, một nông dân được xem là chuyên gia, được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai mời về tư vấn kỹ thuật trồng tiêu: “Khâu nào trong trồng tiêu cũng quan trọng cả vì nó quyết định đến sinh trưởng và sản lượng. Nhưng quan trọng nhất là khâu phòng bệnh. Đã ngã bệnh rồi mà cứu là rất khó. Ở Hoàng Anh Gia Lai, hễ tiêu bị quắn lá nặng, bị chết nhanh chết chậm là nhổ bỏ ngay. Nhưng tỷ lệ cây bị bỏ cực ít do công tác phòng bệnh tốt. Vì vậy vườn tiêu của họ phát triển rất tốt và bền vững...”.
|
Bình luận (0)