Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, lãnh đạo 28 tỉnh ven biển cùng 53 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm và đại diện bà con nông dân.
10 tỉ USD/năm vào năm 2025
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tôm nước lợ có kim ngạch xuất khẩu luôn dẫn đầu toàn ngành thủy sản, với khoảng 45% tổng kim ngạch. Hiện tôm nước lợ được thả nuôi tại 30 tỉnh, thành và trở thành sản phẩm hàng hóa lớn ở VN, gồm tôm sú (loài bản địa) và thẻ chân trắng. Đến năm 2016, cả nước thả nuôi được 694.645 ha, tăng 100,1% so với năm 2015. Tôm VN đã xuất khẩu sang 90 thị trường trên thế giới, đạt kim ngạch hơn 3,1 tỉ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Từ thực tế trên, Bộ NN-PTNT phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 4,5 tỉ USD, năm 2030 đạt 8 - 10 tỉ USD.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ NN-PTNT cũng chỉ ra nhiều bất cập, nhất là chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa con giống. Do vậy, mỗi năm phải nhập khẩu từ 180.000 - 260.000 con tôm chân trắng và tôm sú bố mẹ; đồng thời giá thành sản xuất luôn cao hơn các nước khác, nông dân lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất; hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cũng là khó khăn lớn.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều cách tiếp cận mới để có thể “về đích” sớm, như: hướng vào mô hình nuôi tôm sinh thái, mô hình tôm - rừng thông qua việc thành lập doanh nghiệp xã hội, kết hợp nuôi tôm và trồng rừng ven biển hay chú trọng nuôi tôm trên ao bạt với công nghệ cao; xây dựng thương hiệu tôm để đưa VN thành công xưởng tôm của thế giới...
Sau khi nghe báo cáo của Bộ NN-PTNT và ý kiến thảo luận của các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nếu Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Cà Mau) đạt 2 tỉ USD vào năm 2021 thì toàn tỉnh Cà Mau có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu 4 tỉ USD. Còn lại 6 tỉ USD, các tỉnh thành ven biển có thể chung sức để biến giấc mơ đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD/năm của ngành tôm VN thành hiện thực vào năm 2025, chứ không phải năm 2030 như kế hoạch của Bộ NN- PTNT.
Quyết liệt nhiều giải pháp
Để đạt được điều đó, Thủ tướng chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương cần khảo sát quy hoạch những vùng phù hợp để phát triển nuôi tôm, không để tình trạng nông dân tự phát, nhỏ lẻ. Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch phải đi liền với nhiệm vụ bảo tồn các điều kiện tự nhiên nhằm bảo vệ sinh thái cho tôm và các loài sinh vật có giá trị kinh tế khác; quy hoạch tôm để phát triển chứ không phải để kìm hãm phát triển. Hiện ở nước ta mới chỉ có 30% người nuôi tôm thành công; trong khi tỷ lệ của một số nước là 70%. Do đó, Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương phải ngồi lại với các ngành, các cấp, các nhà khoa học tìm ra giải pháp cho thực trạng này.
Thủ tướng nhấn mạnh phải kiểm soát tình trạng độc quyền nhóm trong việc cung cấp con giống và thức ăn của ngành tôm. Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ NN-PTNT phải nhanh chóng tìm được câu trả lời về giống và thức ăn cho tôm ở đâu để cung cấp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho ngành tôm. Theo Thủ tướng, nước ta có rất nhiều loại tôm, như: tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm..., do vậy đề nghị các nhà chuyên môn phải chỉ ra được từng địa phương phù hợp với loại tôm nào, tiêu chuẩn, chất lượng ra sao, thị trường tiêu thụ từng loại như thế nào... Bộ NN- PTNT, các viện nghiên cứu cần tham vấn chặt chẽ cho người dân về vấn đề này.
Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ tuyên chiến với các hành vi bơm tạp chất vào tôm cũng như các vi phạm làm ảnh hưởng đến uy tín của tôm VN ở mọi khâu; đồng thời giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ngay trong quý 1 phải trình Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về con tôm để phát triển bền vững, hình thành một ngành công nghiệp sản xuất tôm VN.
Giao Bộ KH- CN chủ trì phối hợp với Bộ NN-PTNT đưa tôm nước lợ vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia, xây dựng chương trình khoa học công nghệ tập trung cho phát triển ngành tôm VN; Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức triển khai chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, tiếp tục thực hiện việc bảo hiểm đối với sản xuất thủy sản; đồng thời bổ sung tôm giống vào danh mục hàng hóa phải được đăng ký niêm yết giá, kê khai giá hoặc phải được kiểm tra yếu tố hình thành giá.
Ngân hàng Nhà nước VN nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng có cơ chế vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm, trong đó lưu ý về cơ chế bảo đảm tiền vay không cần thế chấp hoặc thế chấp bằng tài sản là ao, đầm nuôi và tôm nuôi.
Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn điện lực VN bảo đảm cung cấp đủ điện cho các vùng nuôi tôm. Bộ Công thương, Bộ Công an phối hợp với Bộ NN-PTNT kiểm soát lưu thông con giống, vật tư hóa chất, thuốc thú y, ngăn chặn nạn bơm chích tạp chất...
Đặc biệt, trước mắt triển khai có hiệu quả đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu đối với 4 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Bình luận (0)