Mỏ vàng ‘khủng’ ở trung tâm tài chính
Bên dưới đường Threadneedle tại London City, khu tài chính thủ đô Anh quốc, là một mê cung tám hầm vàng của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Mỏ vàng có diện tích tương đương 27.870 mét vuông, và chứa số vàng thỏi trị giá tổng cộng khoảng 141 tỉ bảng Anh, tương đương 200 tỉ USD. Các bức tường bê tông dày đến mức không có bất cứ mùi hay tiếng động nào có thể nghe thấy ở đây.
Ngân hàng Trung ương Anh trên đường Threadneedle, nơi có mỏ vàng "khủng" - Ảnh: Reuters
|
Các thỏi vàng được xếp cạnh nhau trên các hàng kệ màu xanh đánh số. Mỗi thỏi vàng nặng đúng 400 ounce, hay khoảng 12 kg, và có hiện có giá khoảng 500.000 USD mỗi thỏi, cao hơn so với giá trị một căn nhà trung bình ở Anh. Các thanh vàng khác nhau tùy thuộc vào nơi nó được đúc: một số thanh có cạnh dốc để dễ cầm nắm, một số khác lại trông giống ổ bánh mì.
Những gì nằm trong căn hầm bên dưới BOE là một trong những tài sản thương mại quan trọng nhất ngày nay. Ở hầu hết các nước, nhiều thương vụ vẫn được thực hiện bằng vàng.
Giá cả vàng là phong vũ biểu quan trọng thể hiện sự tự tin của người tiêu dùng. Kim loại quý thường tăng giá khi thị trường có nhiều bất ổn vì đây là “hàng rào chống đỡ sự thiếu chắc chắn”, nhà kinh doanh vàng Jonathan Spall, giám đốc quản lý hãng G Cubed Metal, nói.
Cần rất nhiều chìa khóa để tiếp cận với các hầm vàng của BOE - Ảnh chụp màn hình trang BBC
|
Khoảng 1/5 tổng số vàng mà chính phủ các nước nắm giữ được trữ ở thủ đô Anh quốc. Tổng cộng, có 6.256 tấn vàng được trữ trong các hầm trong và xung quanh thành phố London, với tổng giá trị lên đến 172 bảng Anh, tương đương 248 tỉ USD.
Trong số này, các hầm của BOE đã trữ hết 5.134 tấn vàng, trong đó có dự trữ chính thức của Kho bạc Anh và phần lớn số vàng vật chất được giao dịch ở London. Vàng của 30 nước khác cũng được giữ ở đây cùng dự trữ của khoảng 25 ngân hàng trung ương.
Số vàng “khủng” có mặt tại thủ đô nước Anh không chỉ là để gần gũi với nơi kim loại quý được giao dịch, mà còn khẳng định độ an toàn của các hầm vàng London.
Vàng đến và đi khỏi hầm bằng đường nào?
Một hầm vàng của BOE thời được dùng làm căn tin cho nhân viên ngân hàng - Ảnh: Ngân hàng Trung ương Anh
|
Các thanh vàng đến London bằng con đường truyền thống đáng ngạc nhiên. Một số thỏi được vận chuyển bằng đường biển từ các nhà máy như PAMP ở Thụy Sĩ hay Rand Refinery ở ngoại ô thành phố Johannesburg (Nam Phi). Một số khác thì được đem đến bằng máy bay chở khách thông thường.
“Trong khoang chứa hàng của chiếc máy bay thương mại, bạn thường tìm được vàng, hoa tươi và xác chết”, CEO Hiệp Hội Vàng Thị trường London Ruth Crowell cho hay.
Khó hơn chuyện di chuyển là tìm nơi chứa vàng. Khác với quận Manhattan (Mỹ) nằm trên bề mặt đá, thủ đô Anh quốc tọa lạc trên bề mặt đất sét. Vì thế, có quy định hạn chế về việc bao nhiêu vàng có thể được xếp chồng lên nhau ở đây, tránh việc các thỏi vàng được chồng lên quá cao.
Vẫn còn nhiều hầm vàng khác
Ngoài khu hầm của Ngân hàng Trung ương Anh còn có 7 hầm nhỏ hơn bên dưới M25 (đường cao tốc bao quanh Greater London) thuộc sở hữu của các ngân hàng như JP Morgan Chase hay HSBC và ba công ty vận chuyển xung quanh Sân bay Heathrow.
Mỗi chủ sở hữu cố gắng giữ bí mật vị trí hầm vàng của họ. Khi nhóm phóng viên CNBC đến thăm hầm vàng của nhà băng JP Morgan Chase hồi năm 2011, họ không được cầm theo điện thoại và phải di chuyển bằng ô tô có cửa kính đen.
Vàng - tài sản di động
Một cô dâu người Ấn Độ - Ảnh: AFP
|
Trong thời đoạn kinh tế ổn định, nhu cầu về vàng không nhiều. Song khi kinh tế gặp khó, kim loại quý được xem là tài sản trú ẩn an toàn, một tấm bảo hiểm chống lại rủi ro trên các thị trường. Vì thế, vàng có khuynh hướng lên giá khi thị trường biến động.
Khi thị trường chứng khoán lao dốc, chính phủ và các nhà đầu tư thường tháo chạy khỏi cổ phiếu, mua vào vàng. Đây là việc mà Trung Quốc và Nga đang thực hiện. Việc phòng trưng bày vàng ở đường phố London đầu tiên mở cửa vào tháng 1 vừa qua là bằng chứng cho việc vàng gần đây đã “hợp mốt” trở lại.
Chỉ 32% tổng lượng vàng thế giới là thuộc quyền nắm giữ của các chính phủ. Khoảng 12% số vàng kế tiếp được dùng trong công nghiệp, chẳng hạn như để làm các mạch điện tử và hơn một nửa còn lại được dùng làm trang sức.
Ấn Độ và Trung Quốc là hai thị trường quan trọng đặc biệt với trang sức vàng. Hai quốc gia châu Á cùng nhau chiếm 1/2 nhu cầu vàng thế giới. Chỉ riêng tại Ấn Độ đã có 10 triệu đám cưới mỗi năm, mỗi cặp uyên ương và gia đình tậu trung bình khoảng 30 đến 40 gram vàng trong dịp trọng đại.
Bình luận (0)