Biện pháp trên là một phần kế hoạch của chính phủ Campuchia nhằm tăng gấp đôi số lượng du khách Trung Quốc đến nước này vào năm 2020. Hiện Trung Quốc là nguồn cung cấp du khách lớn thứ hai đến Campuchia, sau VN, với gần 700.000 người thăm đất nước chùa tháp trong năm qua, theo các số liệu chính thức.
Gia tăng phụ thuộc
Dù số lượng du khách đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, chính phủ Campuchia muốn thúc đẩy lượng khách đến nhanh hơn nhằm đạt mục tiêu 2 triệu du khách Trung Quốc vào năm 2020, bằng cách khuyến khích việc sử dụng nhân dân tệ bên trong lãnh thổ Campuchia. “Với quyết định này, du khách Trung Quốc sẽ không phải đi đến các điểm thu đổi ngoại tệ để đổi sang USD hoặc riel (tiền Campuchia)”, Đài DW dẫn lời ông Tith Chantha, thuộc Bộ Du lịch Campuchia, cho biết. Ngoài ra, cũng theo quan chức này, Campuchia đang thực hiện các biện pháp “nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho du khách Trung Quốc” như đơn giản hóa quy trình cấp thị thực cho công dân Trung Quốc, tăng cường sử dụng tiếng Trung tại các điểm tham quan...
Ngành du lịch Campuchia hiện đã phụ thuộc nhiều vào nguồn khách du lịch Trung Quốc, với nhiều khách sạn và sòng bạc chủ yếu phục vụ khách đến từ nước này. “Nhiều doanh nghiệp có thể quyết định chấp nhận thanh toán bằng nhân dân tệ nếu điều đó đem lại cho họ nhiều lợi nhuận hơn. Du khách Trung Quốc có thể đến Campuchia nhiều hơn nếu biết họ có thể dễ dàng sử dụng nhân dân tệ ở nước này”, Reuters dẫn lời ông Joseph Lovell, thuộc Phòng Thương mại Mỹ ở Campuchia, nhận định. Bên cạnh đó, giữa Campuchia và Trung Quốc có sự gắn kết sâu rộng về kinh tế, trong đó Bắc Kinh đang nổi lên như một nhà đầu tư và viện trợ lớn cho Phnom Penh. Trao đổi thương mại song phương đạt 4,4 tỉ USD trong năm 2015, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, và 2 nước đang nhắm đến con số khoảng 5 tỉ USD vào năm 2017.
Những rủi ro
Việc chấp nhận thanh toán bằng nhân dân tệ được dư luận đánh giá là một nỗ lực mới của chính quyền Campuchia nhằm thắt chặt hơn quan hệ đối tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực này đang gây lo ngại cho nhiều người Campuchia, đặc biệt khi nền kinh tế nước này đang bị USD hóa trầm trọng. Ước tính các tài khoản bằng USD chiếm khoảng 83% tổng giao dịch và trên 90% tài khoản tiền gửi ngân hàng ở Campuchia. Dù việc sử dụng phổ biến USD đã biến Campuchia thành điểm đến đầu tư nước ngoài hấp dẫn, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc mất tự chủ về tiền tệ, khiến đất nước chùa tháp dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động của kinh tế toàn cầu. Vì vậy, năm ngoái Ngân hàng Trung ương Campuchia đã khuyến khích sử dụng đồng riel. Trong khuôn khổ chiến lược này, cơ quan trên đã lên kế hoạch tổ chức giáo dục người dân cùng các chiến dịch quảng bá nhằm nâng cao ý thức về những lợi ích của việc sử dụng đồng nội tệ. Trong bối cảnh đó, nhiều người ngạc nhiên khi chính quyền quyết định khuyến khích sử dụng nhân dân tệ và lo ngại về tác động tiêu cực đối với nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Campuchia, theo DW.
Trong khi đó, theo ông In Channy, Chủ tịch Ngân hàng Acleda ở Phnom Penh, quyết định trên sẽ không dễ thực hiện. “Trái với USD được dùng rộng rãi trên thị trường, việc lưu thông nhân dân tệ còn hạn chế. Tôi nghĩ chính sách mới sẽ phải đối mặt với thử thách trên thị trường bán lẻ, nơi mà nhiều người sẽ không muốn nhận thanh toán bằng nhân dân tệ”, tờ The Cambodia Daily dẫn lời ông Channy nói. Nhận định này được nhiều doanh nghiệp địa phương chia sẻ khi cho rằng rủi ro sẽ nhiều hơn so với lợi ích tiềm tàng. Bà Khemmara Niza, chủ cửa hiệu quần áo Sentosa Silk ở Phnom Penh, lo lắng: “Thành thật mà nói, tôi nghĩ đó không phải là một ý tưởng hay. Chúng tôi thực sự không hiểu biết về nhân dân tệ nên việc phân biệt tiền giả với tiền thật rất khó khăn. Chúng tôi đã gặp phải các vấn đề liên quan đến USD giả mà đến nay chưa thể khắc phục”. Ông Prak Vichet, quản lý khách sạn River Home Boutique, nói: “Rất nhiều du khách muốn thanh toán bằng tiền Trung Quốc. Điều này khiến họ cảm thấy như ở nhà. Tuy nhiên khách sạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ do biến động tỷ giá hối đoái và tiền giả”.
Bình luận (0)