|
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã yêu cầu Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT tổ chức ngay đường dây nóng để phối hợp với địa phương thu mua toàn bộ hải sản đánh bắt xa bờ của ngư dân. Ngay trong hôm qua, Bộ Công thương đã thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ ngư dân trong việc thu mua, tiêu thụ thủy hải sản nuôi trồng và đánh bắt bảo đảm an toàn. Theo đó, mọi thông tin sẽ được tiếp nhận qua ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (0979815668); ông Dương Thái Trung, Trưởng phòng Thương mại nông sản, vật tư và hàng tiêu dùng (0906725555) hoặc gọi tới Phòng Thương mại nông sản vật tư và hàng tiêu dùng thuộc Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương (04.2220539).
Buộc Formosa đưa ống xả thải lên khỏi lòng biển
Cũng trong hôm qua, trao đổi với Thanh Niên, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết sẽ buộc Formosa đưa ống xả thải lên khỏi lòng biển để thuận tiện giám sát. Theo Bộ trưởng Hà, luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2015, tại điều 101 quy định bất cứ đường ống nào, nhất là đường ống xả thải, đều phải tạo điều kiện cho quá trình giám sát, tiếp cận, kiểm tra một cách dễ dàng. Do đó, việc xả thải ngầm, ống thải ngầm không được pháp luật VN cho phép. “Luật quy định đường ống phải đảm bảo thật sự thuận lợi cho các cơ quan kiểm tra, như vậy không thể để ngầm được. Còn ở thời điểm này, tôi đang chỉ đạo tập trung giải quyết những vấn đề liên quan và ảnh hưởng đến người dân. Tập trung làm rõ để sớm trả lời câu hỏi còn nợ người dân”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.
Nói về giấy phép Bộ TN-MT cho phép Formosa xả thải do ông Nguyễn Thái Lai ký vào ngày 11.12.2015 khi còn là Thứ trưởng Bộ TN-MT, Bộ trưởng Hà cho biết đang chỉ đạo kiểm tra làm rõ việc này. Ông Hà khẳng định, trước mắt, những gì chưa phù hợp cần phải sửa ngay. “Còn việc kiểm tra, rà soát xem vì sao thời điểm trước chấp thuận, trách nhiệm thế nào, vì sao chấp thuận, tôi đã chỉ đạo làm rõ và sẽ tiếp tục xem xét trong thời gian tới”, ông nói.
Theo TS Tô Văn Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, có 2 vấn đề cần rạch ròi. Thứ nhất, người dân yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung mọi nguồn nhân lực xác định cho rõ thủ phạm gây nên thảm họa cá chết ở duyên hải miền Trung. Bởi vì chỉ khi xác định rõ nguyên nhân mới đưa ra được các giải pháp khắc phục hữu hiệu. Thứ hai, Bộ TN-MT họp báo công bố chưa tìm thấy mối liên hệ giữa cá chết và Formosa nhưng tại sao Bộ trưởng viện dẫn khoản 2 điều 101 luật Bảo vệ môi trường là "đường ống xả thải đều phải tạo điều kiện cho quá trình giám sát, tiếp cận, kiểm tra một cách dễ dàng" để yêu cầu Formosa đưa cả 1,5 km đường ống ngầm lên thành ống nổi là chưa thỏa đáng. "Không thể suy diễn từ tạo điều kiện kiểm tra, giám sát thành không cho phép đặt ngầm. Nếu là Formosa thì phải xử lý rất nặng, chứ không phải chỉ viện dẫn khoản 2, điều 101 để xử lý theo cách viện dẫn như trên" - ông Trường nhấn mạnh.
Bộ trưởng mua và ăn hải sản an toàn
Đúng 20 giờ tối qua, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và hàng trăm người dân, cán bộ công chức tỉnh đã có mặt tại cảng cá Nhật Lệ (P.Phú Hải, TP.Đồng Hới) đón chuyến tàu đánh bắt xa bờ dài ngày mang theo gần 6 tấn cá ngừ trở về của ông Nguyễn Nhật Linh (ở xã Bảo Ninh, Đồng Hới). Ngay sau khi tàu cập cảng, ngành thủy sản và cơ quan Bộ đội biên phòng tỉnh đã tổ chức kiểm định, chứng nhận số hải sản của ông Linh an toàn. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tự bỏ tiền mua một số con cá ngừ “mở hàng” cho chuyến tàu này và nhờ chủ tàu luộc ngay một con cá ngừ rồi cùng chủ tàu, lãnh đạo địa phương ăn tại chỗ.
Phát biểu trước đông đảo bà con, doanh nghiệp và giới truyền thông, Bộ trưởng khuyến cáo người dân không nên ăn, tham gia vận chuyển, tiêu thụ trái phép sản phẩm hải sản gần bờ có vùng nước bị nghi là ô nhiễm, chỉ nên dùng hải sản đã được cơ quan chức trách chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết sở này đã triển khai các cán bộ phối hợp với các đơn vị liên quan đến các cảng cá trực 24/24 để xác nhận nguồn gốc, cấp giấy xác nhận hải sản an toàn khi tàu
cập cảng. Ngay trong ngày 30.4, có 6 tàu đánh bắt xa bờ mang theo khoảng 40 tấn hải sản (chủ yếu là cá ngừ đại dương) cập các cảng của tỉnh và đã nhận được giấy chứng nhận an toàn, được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua.
Nước biển Đà Nẵng hoàn toàn không nhiễm độc
|
Tại Đà Nẵng chiều qua, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, khẳng định kết quả công bố công khai nước biển Đà Nẵng vẫn an toàn, hoàn toàn không nhiễm độc. "Để người dân hoàn toàn tin tưởng nguồn cá Đà Nẵng không nhiễm độc, tôi đề nghị hơn 1.000 cán bộ, nhân viên UBND TP đưa cá biển vào bữa ăn hằng ngày, đồng thời UBND TP cũng sẽ xem xét đề nghị căn tin Trung tâm hành chính TP đưa cá biển vào bữa ăn trưa để phục vụ cán bộ, tôi sẽ làm gương ăn trước và đề nghị trước hết các giám đốc sở ở lại ăn trưa, để bà con, người đi chợ an tâm” - ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Sáng cùng ngày, các bức ảnh lãnh đạo Sở TN-MT cùng các đơn vị trực thuộc Sở đi tắm biển được đăng trên mạng xã hội khiến cộng đồng mạng thích thú trước việc có tin đồn nước biển nhiễm độc. Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP.Đà Nẵng, cho hay thường ngày mọi người vẫn tắm biển nhưng giờ giấc khác nhau, nhưng sáng 30.4, do các lãnh đạo, cán bộ Sở đi lấy mẫu nước để xét nghiệm, quan trắc nên đã tiện thể cùng xuống tắm biển. Cũng theo ông Vinh, hiện các xét nghiệm nước biển Đà Nẵng vẫn an toàn, không có gì biến động so với các kết quả từ năm 2015.
Ngày 30.4, Sở TN-MT Hà Tĩnh công bố báo cáo kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ tại 6 bãi tắm trên địa bàn. Kết quả phân tích 12 thông số, bao gồm: nhiệt độ, pH, ô xy hòa tan (DO), độ đục, chất rắn lơ lửng (TSS), amoni (NH4+), photphat (PO43-), mangan (Mn), asen (As), sắt (Fe), xyanua (CN), Coliform... đều nằm trong giới hạn cho phép, không có dấu hiệu bất thường, không có yếu tố nhiễm độc. Hiện cơ quan chức năng Hà Tĩnh vẫn đang tiếp tục lấy mẫu phân tích tại 6 bãi tắm nói trên với tần suất 2 lần/ngày, duy trì đến ngày 6.5; hằng ngày tổng hợp, báo cáo Bộ TN-MT để có khuyến cáo cụ thể với người dân.
Cũng trong hôm qua, trung tâm quan trắc môi trường của Bộ TN-MT vừa có Công văn số 274/QTMT thông báo quan trắc chất lượng nước ven bờ biển Quảng Bình cho thấy các thông số quan trắc đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10-MT: 2015 đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước và đảm bảo an toàn cho hoạt động con người. Các mẫu nước này được quan trắc lấy vào ngày 21.4 và hai ngày 28 - 29.4 lấy ở biển Nhật Lệ, biển Hải Ninh, nơi có cá chết hàng loạt trước đó.
|
Bình luận (0)