Ngân hàng Mỹ dự báo rủi ro kinh tế Trung Quốc ra sao?

16/02/2017 11:06 GMT+7

Kinh tế Trung Quốc có thể trượt xuống trong danh sách các mối lo ngại toàn cầu, song nhiều rủi ro đáng kể vẫn còn đó. Đây là nhận định của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs.

Theo Bloomberg, Goldman Sachs cho rằng trong danh sách rủi ro đáng kể về kinh tế Trung Quốc có sự bùng nổ tín dụng cực lớn và phản ứng chính sách quá tích cực nếu tình hình lạm phát đi lên. Dù ngân hàng Mỹ không cho rằng kinh tế đất nước Đông Á sẽ “hạ cánh cứng” trong năm nay, họ dự báo việc gia tăng kiềm chế các khoản vay giá rẻ sẽ gây áp lực lên các ngành chủ chốt, chẳng hạn như bất động sản. Giới chức Đại lục hiện cố gắng ngăn giá nhà đi lên mà không gây tổn hại đến nền kinh tế tổng thể, nơi tăng trưởng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào chi tiêu chính phủ.
Quy mô của sự bùng nổ cho vay thể hiện trong dữ liệu công bố hôm 15.2. Trung Quốc bơm tín dụng trong tháng 1 nhiều hơn cả sản lượng kinh tế của Thụy Điển hay Ba Lan. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự bền vững của tình hình tài chính. Tài chính tổng hợp, biện pháp bơm tín dụng mới rộng rãi nhất, tăng lên mức kỷ lục 3.740 tỉ nhân dân tệ, tương đương 545 tỉ USD. Dù vậy, tăng trưởng tổng tín dụng tiếp tục giảm phần nào.
Giới hoạch định chính sách vừa bắt đầu thắt chặt lãi suất thị trường tiền tệ và giới phân tích dự báo thêm nhiều biện pháp hạ nhiệt cho vay mà không gây tác động đến nền kinh tế rộng hơn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thay đổi chính trị quan trọng sắp đến vào cuối năm nay.
Rủi ro cho kinh tế Trung Quốc không chỉ đến từ trong nước. Các rủi ro bên ngoài nước này gồm việc xuất khẩu giảm mạnh vì nhu cầu chậm lại hoặc rào cản thương mại tăng lên. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói sẽ đánh thuế quan cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Đại lục trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thì dự kiến tăng lãi suất nhanh hơn trong năm nay.
Chuyện kinh tế Trung Quốc đi chậm lại sẽ để lại hậu quả lên toàn châu Á, đặc biệt là lên các nền kinh tế mở nhỏ hơn vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Giá cả các loại hàng hóa sẽ gây ra tác động dây chuyền lên các nước như Indonesia và Úc. Sự kết hợp của tăng trưởng sụt giảm và biến động thị trường tài chính sẽ gây tác động toàn cầu, thông qua việc thúc đẩy giá trị USD lên cao hơn và làm hạ giá cổ phiếu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.