Nước giải khát rơi vào tay doanh nghiệp ngoại

Chỉ tính riêng nước giải khát không cồn, doanh số năm 2014 lên tới gần 4 tỉ USD. Với tốc độ tăng bình quân hơn 10%/năm, cuộc chiến giành thị phần trên thị trường nước giải khát nội đang diễn ra quyết liệt nhưng phần thắng đã nghiêng hẳn về các doanh nghiệp ngoại.

Chỉ trong vòng 15 năm, sản lượng nước giải khát (NGK) tại thị trường VN tăng gấp 6 lần, từ 800 triệu lít vào năm 2000 lên 4,8 tỉ lít trong năm 2015 và đang được định vị là ngành “hot” nhất trong nhóm hàng thực phẩm tiêu dùng nhanh. Theo Hiệp hội Bia - Rượu - NGK VN, các dòng sản phẩm như nước tinh khiết, nước ngọt, nước tăng lực, trà uống liền và nước hoa quả đang chiếm tỷ trọng 85% sản lượng sản xuất và tiêu thụ NGK hằng năm của cả nước, còn lại 15% là nước khoáng. Dự kiến đến năm 2020, sản lượng NGK các loại của VN đạt 8,3 - 9,2 tỉ lít/năm.
Báo cáo của Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương công bố vào tháng 9.2015 cho biết, tổng doanh thu của ngành NGK không cồn năm 2014 đạt gần 80.320 tỉ đồng, tương đương gần 4 tỉ USD. Báo cáo cũng ghi nhận ngành này tăng trưởng ấn tượng với mức tăng lũy kế là 13,48% trong giai đoạn 2011 - 2014, cao hơn khá nhiều so với mức trung bình của nền kinh tế. Dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại, mức tiêu thụ NGK trung bình mỗi người VN chỉ khoảng 23 lít/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức 40 lít/năm/người của thế giới.
Sắp tới đây, chiếc bánh thị phần chắc chắn sẽ do các nhà đầu tư ngoại nắm khi các cuộc mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực nước giải khát vẫn tiếp tục xảy ra
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX và TM Tân Quang Minh
Doanh nghiệp nội bị thâu tóm, mất dần
Đó là lý do suốt nhiều thập niên qua, thị trường NGK luôn diễn ra các cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Không ít DN Việt đã bị thâu tóm, những thương hiệu đình đám một thời đã rơi vào tay DN nước ngoài. Điển hình là thương hiệu Tribeco đã có lịch sử 20 năm hoạt động và luôn được người tiêu dùng bình chọn là hàng VN chất lượng cao trong hơn 11 năm liền trước đó. Thời điểm năm 2000, sản phẩm sữa đậu nành Tribeco được xem là “vô đối” trong dòng sản phẩm nước uống thiên nhiên có lợi cho sức khỏe. Thế nhưng, sau khi lần lượt bán cổ phần cho các đối tác ngoại là Uni-President cùng lúc với việc xây dựng thêm 2 nhà máy để mở rộng sản xuất thì công ty bắt đầu rơi vào cảnh nợ nần. Đỉnh điểm là đến cuối 2011, Tribeco lỗ lũy kế lên đến 312 tỉ đồng và đã bán hết cổ phần tại Tribeco miền Bắc cũng như Tribeco Bình Dương. Công ty đã chấm dứt giấc mộng ngắn ngủi và sau đó phải tuyên bố giải thể DN vào cuối năm 2012. Điều đáng nói là khi giải thể, cổ đông ngoại Uni-President đã nắm 43,6% cổ phần của Tribeco và trở thành chủ nhân mới của Tribeco Bình Dương. Đến nay, vẫn không ít người đặt ra câu hỏi vì sao khi có cổ đông ngoại tham gia thì Tribeco lại bước vào con đường nợ nần để dẫn đến giải thể và thương hiệu lại rơi vào tay DN ngoại?
Không chỉ thâu tóm các DN nội địa, các tập đoàn ngoại cũng tích cực mua lại những thương hiệu khác đang hiện hữu tại VN. Ví dụ như Kirin Holdings (Nhật) đã mua lại Interfoods đến từ Malaysia, công ty sở hữu thương hiệu trà bí đao Wonderfarm...
Bên cạnh bị thâu tóm, không ít thương hiệu Việt một thời đình đám nay rơi vào thế lép vế, vắng bóng dần trên thị trường do không thể cạnh tranh, như Công ty cổ phần NGK Chương Dương. Được xây dựng vào năm 1952, trực thuộc Tập đoàn BGI của Pháp, thời điểm đó Chương Dương được coi là nhà máy sản xuất NGK lớn nhất tại miền Nam. Giai đoạn ngay sau khi đất nước thống nhất có thể xem là thời hoàng kim nhất của Chương Dương khi các sản phẩm của công ty, đặc biệt là NGK có ga xá xị có mặt khắp mọi nhà. Thế nhưng kể từ sau năm 1993, khi có sự xuất hiện của các tập đoàn ngoại, nhất là sự cạnh tranh dữ dội về nước ngọt có ga thì thị phần, doanh thu của Chương Dương bị thu hẹp dần. Trước tình hình đó, Chương Dương phải mở rộng sản phẩm sang các dòng nước giải khát không ga, nước tinh khiết, rượu nhẹ... Nhưng sự yếu thế trong các hoạt động quảng bá khiến thương hiệu này một lần nữa bị lu mờ để rồi người tiêu dùng gần như không biết đến các sản phẩm khác của Chương Dương ngoài xá xị.

tin liên quan

Người Thái 'thèm' bia Việt
Thương hiệu bia lớn nhất Thái Lan là ThaiBev đã liên tục đăng ký mua cổ phần tại Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Cuộc chiến còn khốc liệt
Dạo quanh các chợ, siêu thị, cửa hàng, các quầy NGK không cồn có hàng trăm sản phẩm khác nhau nhưng các thương hiệu nước ngoài chiếm thị phần áp đảo. Từ các sản phẩm nước có ga đến nước ngọt như trà xanh, nước ép dâu, táo, dứa, nha đam... hay nước uống đóng chai đều xuất phát từ những cái tên ngoại. Thậm chí với hầu hết người tiêu dùng, nhiều sản phẩm từ trước đến nay những tưởng của VN nhưng sau đó mới ngã ngửa là của Philippines, Malaysia, Thái Lan hay của EU, Mỹ. Thống kê năm 2012 cho thấy, 10 DN dẫn đầu thị trường NGK không cồn chiếm gần 75% tổng thị phần cả nước, gồm Pepsi, Tân Hiệp Phát, Coca Cola, Interfoods, Tribeco, Lavie (Nestlé), Công ty TNHH Red Bull VN, URC, Tribeco Bình Dương và Công ty cổ phần NGK Chương Dương. Trong đó, chỉ có 2 thương hiệu Việt là Tân Hiệp Phát và Chương Dương chiếm hơn 24% thị phần, số còn lại đều thuộc về các thương hiệu đến từ những tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, thị trường đang chứng kiến sự có mặt của nhiều sản phẩm nước giải khát nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia... sau khi cộng đồng kinh tế chung ASEAN được hình thành từ cuối năm 2015 đến nay.

tin liên quan

Rượu, bia ngoại sẽ ào ạt tràn vào Việt Nam?
(TNO) TPP sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất rượu, bia nước ngoài ở thị trường Việt Nam nhờ các dòng thuế sẽ được bãi bỏ theo lộ trình. Liệu khi đó rượu, bia ngoại sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam?
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX và TM Tân Quang Minh - Bidrico, nhận định: “Cơ hội từ thị trường này rất lớn. Thế nhưng, bên cạnh những "ông lớn" đã có mặt, sắp tới đây DN trong nước sẽ rất mệt mỏi để cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN. Ngay cả nếu VN đánh thuế cho mặt hàng này cũng chưa chắc bảo vệ được các DN nhỏ và vừa”. Tuy nhiên, ông Hiến cũng cho rằng hàng nhập không đáng lo bằng hàng của DN ngoại sản xuất tại chỗ vì đặc thù của mặt hàng này là nặng, cồng kềnh nên nếu nhập, chi phí vận chuyển lớn, giá thành bị đội lên cao. Vì vậy, chỉ những mặt hàng đặc sắc, người tiêu dùng chấp nhận trả giá cao mới được nhập về. “Sắp tới đây, chiếc bánh thị phần chắc chắn sẽ do các nhà đầu tư ngoại nắm khi các cuộc mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực NGK vẫn tiếp tục xảy ra”, ông Hiến dự báo.
Còn theo ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Hiệp hội Marketing VN, ngành NGK không cồn tại VN đang có cuộc cạnh tranh khốc liệt. “Trong ngành này, người tiêu dùng bị ảnh hưởng rất lớn về yếu tố thương hiệu khi quyết định mua hàng. Vì vậy, khi đã vào thị trường, các nhà thương mại, sản xuất đẩy mạnh để làm thị trường, quảng bá thương hiệu. Các DN FDI cũng có nhiều lợi thế về quy mô sản xuất nên thường đưa ra giá thành rất rẻ khiến các DN trong nước rất khó cạnh tranh. Khi cầm cự không nổi, nghiên cứu làm ra sản phẩm mới không có, nhiều DN đuối sức, bỏ cuộc. Lúc này, các cuộc mua bán sáp nhập lại tiếp tục diễn ra. Đây rõ ràng là cơ hội cho những ông lớn ngoại”, ông Hào phân tích.
Theo phân chia, thị trường NGK không cồn có 3 dòng sản phẩm chính, đó là nước khoáng có ga và không ga; nước tinh khiết; nước ngọt, nước tăng lực, trà uống liền và nước hoa quả các loại. Ước tính của Hiệp hội Bia - Rượu - NGK VN cho thấy, nước đóng chai, trong đó nước khoáng có ga, chiếm gần 60% doanh thu. Tiếp theo là NGK có ga và nước trái cây không có ga chiếm 35%. Sản phẩm cải tiến như thức uống tốt cho sức khỏe và nước tăng lực chiếm khoảng 5% doanh thu.

tin liên quan

'Đại chiến' thị trường bia Việt
Thị trường bia Việt một lần nữa “dậy sóng” trước hàng loạt thông tin mua bán sáp nhập và các công bố từ cam kết trong Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) của các nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.