Mặc dù khi thâu tóm các hệ thống bán lẻ tại VN, các tập đoàn ngoại đều công bố vẫn tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp (DN) và hàng VN. Thế nhưng trên thực tế, không bao lâu sau khi hệ thống Metro chuyển sang tay người Thái, hàng của nước này đã phủ dần ở các kệ hàng. Những ngày gần đây, ngay tại cổng ra vào của siêu thị Mega Market tại Q.2, TP.HCM (Metro cũ đã được đổi tên sau khi bán lại cho công ty Thái), một khu vực chuyên bán hàng hóa Thái Lan với những cô người mẫu mặc trang phục truyền thống của Thái tạo được hình ảnh khá ấn tượng, thu hút nhiều người tham quan mua sắm. Vị trí đẹp nhất, bắt mắt nhất của siêu thị này là để trưng bày các sản phẩm từ hàng gia dụng, quần áo đến thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm... có xuất xứ từ Thái Lan.
Hàng Thái cũng có mặt gần như phủ kín tại các trung tâm mua sắm và cửa hàng tiện lợi như Robins, B’smart và dự kiến sắp tới sẽ là Big C, hệ thống siêu thị vừa mới được đại gia Thái mua lại. Tương tự, người tiêu dùng trong nước cũng dễ dàng mua được những sản phẩm từ thịt bò đến quần áo, trái cây, hàng điện tử... của Hàn Quốc ở các siêu thị Lotte Mart, Emart hay của Nhật Bản tại hệ thống Aeon Mall.
Tăng phí để loại hàng nội
Đặc biệt, để loại hàng Việt, các siêu thị ngoại đang tìm mọi cách để thu phí, tăng phí đối với các DN VN. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Saigon Food, cho biết bước sang năm 2016, các siêu thị ngoại đòi tăng thêm mức chiết khấu từ 4 - 5,5% khiến DN đang nhức đầu. Như vậy, ước tính tổng mức chiết khấu của các siêu thị ngoại lên gần 20%, thậm chí có DN phải chịu chiết khấu cao ngất ngưỡng đến gần 25%, trong khi mức chiết khấu của các siêu thị trong nước chỉ khoảng 10%. “Mức chiết khấu trên 10% cũng đã khiến DN ngộp thở vì không hiệu quả. Hiện nay bản thân Saigon Food cũng đang đàm phán lại, nếu không được sẽ xem xét và có thể từ bỏ việc đưa hàng vào các siêu thị ngoại vì gồng gánh không nổi”, bà Lê Thị Thanh Lâm nói.
Một DN kinh doanh hàng tiêu dùng cũng kể, các siêu thị ngoại dường như đang muốn hất cẳng DN nội thông qua việc đưa ra hàng loạt mức phí. Ví dụ, phí mở mã hàng mới 20 triệu đồng và một sản phẩm nhưng có 3 kích cỡ khác nhau cũng bị tính là 3 mã hàng mới và phải đóng đến 60 triệu đồng. Hay như sinh nhật từng siêu thị cũng bắt DN đóng tiền, mở kho hàng mới cũng đóng tiền... Do đó, chưa cần cạnh tranh trực tiếp với hàng nhập khẩu của Thái hay Hàn, Nhật thì với khoảng 10 loại phí khác nhau như hiện nay, nhiều DN trong nước đã không chịu nổi và đành rút lui khỏi các siêu thị ngoại.
|
|
Tổng doanh thu bán lẻ năm 2015 của VN đạt con số hơn 2,46 triệu tỉ đồng (tương đương 110 tỉ USD) và dự báo tăng lên 140 tỉ USD vào năm 2020. Trong đó, thị phần bán lẻ hiện đại ở VN mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại sẽ nâng tỷ lệ lên 45%, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, số trung tâm thương mại cũng tăng lên trên 300 điểm và cửa hàng tiện lợi lên đến hàng chục ngàn. Hiện nay, hơn 20 nhà bán lẻ nước ngoài đang hoạt động và sở hữu hơn 350 cửa hàng tiện lợi, hơn 100 siêu thị, trung tâm mua sắm ở nhiều tỉnh thành trên cả nước và ước tính, doanh thu của các DN ngoại đã chiếm khoảng 40% thị trường.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng khi các nhà đầu tư ngoại nắm được các hệ thống phân phối, bán lẻ thì việc ưu tiên cho hàng nước họ là đương nhiên. Chính đại diện của Tập đoàn BJC của Thái Lan khi mua Metro đã tuyên bố sẽ bán 60% hàng Thái trong hệ thống siêu thị này. Ông Phú dẫn theo một thống kê của Bộ Công thương cho biết, hiện nay 75% hàng điện máy ở các trung tâm bán lẻ, cửa hàng là hàng Thái Lan; 40% hoa quả là hàng Thái Lan. Theo ước tính của ông Phú, với việc nắm trong tay hàng loạt trung tâm phân phối và bán lẻ, từ Metro đến Big C, B’smart thì người Thái đã nắm hơn 50% thị trường bán lẻ VN. Phần còn lại cũng bị chia sẻ nhiều cho các tập đoàn từ Hàn Quốc, Nhật, Pháp, Đài Loan...
Bên cạnh việc được ưu ái về vị trí, về chính sách, các DN nước ngoài còn tổ chức chương trình khuyến mãi thường xuyên và có dịch vụ chăm sóc khách hàng, hậu mãi chu đáo. Điều này khiến cho hàng Việt ngày càng lép vế trong mắt người tiêu dùng nội địa. “Khi hàng hóa không còn được bày bán nhiều sẽ dẫn đến hệ quả sản xuất cũng dần dần bị thu hẹp. Do vậy, không chỉ thị phần bán lẻ của DN nội bị thu hẹp mà còn kéo theo hoạt động sản xuất của nhiều DN trong nước cũng co lại”, ông Phú nói.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội DN TP.HCM, cho biết thị phần của các nhà sản xuất trong nước đang có xu hướng thu hẹp dần trên các kệ hàng tại các điểm bán lẻ. Điều này ảnh hưởng đến nền sản xuất, DN phải giảm sản lượng, từ đó giảm năng lực cạnh tranh của hàng nội trước hàng ngoại. “Bản thân các nhà sản xuất trong nước nhận định hàng Việt đảm bảo chất lượng vào siêu thị nội thì không khó, nhưng lại gặp nhiều trở ngại nếu muốn chen chân vào siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài. Đa số các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài cũng yêu cầu các thủ tục như: giấy chứng nhận, kiểm định về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế... giống như siêu thị nội, nhưng mức chiết khấu rất cao”, ông Huỳnh Văn Minh nói.
Đáng lưu ý, theo quy định, các nhà bán lẻ nước ngoài không được phân phối gạo, đường mía, thuốc lá và xì gà... Thế nhưng, tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ của hầu hết các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài như Lotte, Big C, Circle K, Metro Cash & Carry... đều bày bán công khai các mặt hàng này mà không hề bị nhắc nhở và xử phạt.
Siêu thị ngoại bủa vây người dùng Việt
Lotte (Hàn Quốc) khai trương siêu thị Lotte Mart đầu tiên tại VN vào năm 2008, đến nay đã có tổng cộng 11 trung tâm thương mại - siêu thị trên cả nước. Theo mục tiêu công bố, 5 năm tới, Lotte Mart sẽ mở cửa thêm 49 trung tâm thương mại (có siêu thị) nữa tại VN, nâng tổng số lên tới 60 siêu thị. Sau Lotte là Emart, thuộc Tập đoàn Shinsegae (Hàn Quốc) cũng khai trương ở Q.Gò Vấp, có diện tích hơn 3 ha với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD.
Aeon của Nhật Bản khi vào VN từ năm 2011 bằng hình thức nhượng quyền thương hiệu cùng với một DN trong nước để hình thành chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop, sau đó mở đại siêu thị Aeon Celadon ở TP.HCM, tiếp đến là Trung tâm mua sắm Aeon Canary Bình Dương và tấn công vào thị trường Hà Nội qua Aeon Long Biên; dự kiến đến 2020 Aeon sẽ có 20 đại siêu thị trên cả nước. Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2014, 26 siêu thị Citimart (của một nhà đầu tư trong nước) bỗng chốc được gắn thêm tên Aeon; 15 siêu thị Fivimart (tập trung chủ yếu ở Hà Nội) cũng nhận đầu tư từ Aeon. Theo kế hoạch, đến 2025 sẽ có 500 siêu thị dưới tên Aeon - Citimart.
Tập đoàn Central của Thái Lan đang sở hữu 100 trung tâm và cửa hàng trên cả nước, bao gồm trung tâm thương mại, cửa hàng thể thao, thời trang, khách sạn, cửa hàng điện máy, DN thương mại điện tử, nhà phân phối hàng tiêu dùng nhanh và các siêu thị như hệ thống bán lẻ Big C VN, siêu thị điện máy Nguyễn Kim, siêu thị Lan Chi và Tập đoàn quản lý khách sạn nghỉ dưỡng Centara.
Tập đoàn Berli Jucker của Thái đang sở hữu hệ thống Metro Cash & Carry VN, chuỗi bán lẻ B’smart...
|
Bình luận (0)