Một trong những dự án được nhắc đến làm minh chứng là “khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná - Ninh Thuận” được Bộ Công thương đưa vào quy hoạch chỉ 2 ngày trước khi chính thức được công bố tại hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận (ngày 27.8). Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), cho rằng dự án thép Hoa Sen - Cà Ná được “thừa kế” từ dự án tổ hợp thép Vinashin - Lion từng được Thủ tướng xem xét, phê duyệt cách đây 8 năm, đồng thời khẳng định “Hoa Sen không làm, thép Cà Ná vẫn vào quy hoạch”.
tin liên quan
Bài học cay đắng từ Formosa: Có nhà máy thép, có ô nhiễmĐó là bài học mới của ta nhưng đã rất cũ trên thế giới. Không chỉ nhà máy thép gây ô nhiễm rất cao mà còn kéo theo một chuỗi ngành công nghiệp phụ trợ có mức độ gây ô nhiễm không kém. Vì thế cần cẩn trọng!
|
|
Quy hoạch kiểu “điền vào chỗ trống”
Minh chứng thêm về việc làm quy hoạch kiểu ngẫu hứng của Bộ Công thương, một chuyên gia quy hoạch dẫn chứng “Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại vùng bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” do bộ này phê duyệt ngày 22.8.2016 cũng không hề đề cập đến dự án thép Cà Ná. "Trước đây có dự án thì Bộ Công thương dự kiến đưa nó vào quy hoạch. Khi dự án không triển khai được thì rút ra. Đến nay có doanh nghiệp (DN) đầu tư lại bổ sung vào quy hoạch. Chính vì vậy mà quy hoạch vùng công bố trước đó 3 ngày không kịp điều chỉnh", chuyên gia này nói. Còn TS Tô Văn Trường không ngần ngại đặt câu hỏi: “Như vậy chẳng lẽ ai cũng mua được chỗ trong quy hoạch?”.
Về vấn đề này, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng: “Ngay cả nếu có được đưa vào diện quy hoạch sẵn từ trước đi chăng nữa thì cũng phải cân nhắc rất cẩn thận chứ không phải sống chết gì cũng làm, tìm DN để “điền vào chỗ trống” như cách làm của Bộ Công thương được. Quan điểm của tôi là ngay cả có trong quy hoạch và quy hoạch đó trước đây có được làm bài bản thì bây giờ cũng phải cân nhắc lại, đặc biệt là sau khi sự cố môi trường do Formosa gây ra. Không phải cứ có quy hoạch là phải làm. Quy hoạch chỉ là định hướng thôi”.
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng quy hoạch chỉ là một trong những phương pháp nhằm tập trung, huy động nguồn lực để đạt được một mục tiêu nhất định nào đó với hiệu quả cao nhất. Quy hoạch của ngành thép hay của bất cứ ngành nào cũng phải tính đến yếu tố thị trường đã được toàn cầu hóa, thứ 2 là tiến bộ khoa học công nghệ và các yêu cầu về lợi ích kinh tế, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường. “Cái quy hoạch nào đấy không thể coi là định luật bất di bất dịch. Quy hoạch đã được vẽ ra cách đây khá lâu rồi, lúc đó điều kiện kinh tế, sự phát triển xã hội là khác so với bây giờ. Trong khoảng thời gian đó đã có nhiều DN được sinh ra và cũng có nhiều DN rút đi nên bây giờ chúng ta cần phải tính toán lại”, ông Doanh phân tích và nhấn mạnh: "Cách làm của Bộ Công thương và thậm chí là một số bộ ngành có liên quan về quy hoạch ngành thép là rất thiếu trách nhiệm. Ninh Thuận là vùng thiếu nước, đặt một dự án tiêu tốn nhiều nước và nhiều năng lượng lại phát thải chất gây ô nhiễm cao như vậy thì trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan cũng phải được làm rõ".
“Số liệu quy hoạch rất vớ vẩn”
Ông Phạm Chí Cường, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc - luyện kim VN (VFMSTA), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, người đã có hơn 50 năm kinh nghiệm trong ngành thép, nói thẳng: “Số liệu quy hoạch là vớ vẩn”. Lý do, theo ông Cường, quy hoạch phát triển ngành thép công bố từ năm 2007 dự báo nhu cầu tiêu thụ thép các loại của VN đến năm 2015 khoảng 15 triệu tấn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Bộ Công thương đã bổ sung thêm hàng loạt dự án mới vào quy hoạch ngành này và nhu cầu đã được dự báo tăng lên rất nhiều.
Kết quả của sự điều chỉnh quy hoạch thiếu cơ sở thực tế là thời gian qua hàng loạt nhà máy thép từ tư nhân đến nhà nước đều thua lỗ, phải cầu cứu đến nhà nước như dự án gang thép Thái Nguyên hay việc nhiều DN đề nghị sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất trong nước. Hiện nay, VN cũng đang áp dụng biện pháp phòng vệ này nhằm giúp cho các DN ngành thép khỏi bị thua lỗ. "Tôi thấy người ta dựa vào con số lãi khủng của một vài DN nào đó để chứng minh về tính khả thi của ngành thép. Điều này có thể là hoàn toàn sai lầm. Các DN nên hết sức tỉnh táo mà hiểu rằng những khoản lợi nhuận đó còn có được ngày hôm nay chính là nhờ chính sách bảo hộ của nhà nước. Nếu như không còn các chính sách bảo hộ đó nữa thì như thế nào? Thực tế, thế giới đang dư thừa thép và các nước phải “chống” lại việc này bằng các chính sách bảo hộ mà mạnh mẽ nhất là Liên minh châu Âu và Mỹ. Mới đây, tại hội nghị của G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc) các nước tuyên bố sẽ thành lập một diễn đàn toàn cầu để ứng phó với tình trạng dư cung trong ngành công nghiệp thế giới, nhất là thép. Thép Trung Quốc rẻ nhất thế giới, họ thừa nhiều nhất nhưng cũng phải chấp nhận thực tế này”, ông Cường khuyến cáo.
Đồng quan điểm, TS Tô Văn Trường cho rằng những dự án kiểu như luyện thép, lọc dầu không thể có lãi và các nhà đầu tư không dại gì thực hiện nếu không có ưu đãi của nhà nước. Họ đầu tư chỉ để kiếm lời trên những khoản ưu đãi đó mà thôi.
"Liệu sau khi tính giá thành lọc nước vào sản xuất, thép của Hoa Sen - Cà Ná làm sao cạnh tranh được với thép giá rẻ của Trung Quốc?", TS Thiên đặt vấn đề. Ông Thiên cũng cho rằng, chúng ta không nên theo đuổi những ngành công nghiệp hoàng hôn, là ngành tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và gây ô nhiễm cao. “Ngành thép Trung Quốc đã phát triển rất mạnh trong những năm qua và giờ đang vào giai đoạn hoàng hôn. Họ đang phải bán tháo từ sản phẩm đến thiết bị, công nghệ. Nếu đầu tư lớn vào sản xuất thép, chúng ta phải cạnh tranh với sự khủng hoảng thừa của Trung Quốc là cực kỳ khó khăn. Ngành này còn có yếu tố sử dụng nhiều tài nguyên như năng lượng, nước ngọt... đều là những yếu tố mà ở VN đang khan hiếm, thiếu hụt. Theo tôi, cần phải có tầm nhìn xa và thái độ dứt khoát trong định hướng đối với các loại dự án như thế này”, ông Thiên nói.
TS Lê Đăng Doanh nói thẳng ông không tin vào quy hoạch mà Bộ Công thương đưa ra. “Nó không thể được xem là cái cớ cho đầu tư dự án thép ở Cà Ná. Tôi kiến nghị Chính phủ, Quốc hội phải công khai cái quy hoạch đó ra để lấy ý kiến rộng rãi trong dân, các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực, hiệp hội ngành nghề có liên quan. Tôi nghĩ rằng cần phải hết sức thận trọng và làm thật chặt chẽ”, ông Doanh kiến nghị.
Ngày 12.9, ông Lê Minh Ngân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết tỉnh đã có công văn báo cáo Bộ Tài chính để thẩm định mức đề xuất hỗ trợ thiệt hại cho người dân do sự cố môi trường biển. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ phê duyệt, đây chỉ là bước ban đầu theo hướng dẫn, khi có phê duyệt mới xây dựng đề án trên cơ sở kê khai, thống kê thiệt hại. Hiện tỉnh cũng đang chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện việc thống kê. Còn theo ông Nguyễn Trần Quang, quyền Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình, Văn phòng UBND tỉnh không hề phát ngôn, công bố thông tin "tỉnh công bố mức hỗ trợ thiệt hại" như một số báo đưa. (Trương Quang Nam)
|
Bình luận (0)