Trung Quốc sẽ đến cứu khi Venezuela cạn tiền trong vòng 1 năm?

04/08/2016 08:37 GMT+7

Venezuela đang dần hết cả tiền lẫn thời gian. Ngân hàng trung ương nước này chỉ còn 11,9 tỉ USD trong dự trữ ngoại hối. Có ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể xuất hiện để giải cứu quốc gia Nam Mỹ.

Theo CNN, con số 11,9 tỉ USD cho thấy mức giảm rất mạnh trong dự trữ ngoại hối Venezuela so với 30 tỉ USD hồi năm 2011. Một vài hạn thanh toán nợ đang đến gần. Từ tháng 10, Venezuela nợ tổng cộng 4,7 tỉ USD trong một chuỗi các khoản vay phải trả.
Đất nước Nam Mỹ đang đứng giữa cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và nhân đạo sâu sắc. Người dân, cơ sở y tế Venezuela thiếu hụt hàng loạt thực phẩm, thuốc men. Giới chuyên gia nói rằng Venezuela vừa đặt ưu tiên trả nợ lên trước việc đối phó thực trạng khan hiếm nhu yếu phẩm.
“Trong vòng một năm họ sẽ hết tiền”, Russ Dallen, chuyên gia về nợ của Venezuela kiêm đối tác quản lý tại hãng Caracas Capital - hãng đầu tư ở Miami (Mỹ) cho hay. Dallen chỉ ra rằng nước này gần như là “tự sát” khi đặt trọng tâm vào thanh toán nợ.
Dự đoán về thời gian chính xác Venezuela cạn kiệt tiền mặt chia rẽ giới chuyên gia. Dù vậy, tất cả đều đồng ý rằng với tốc độ hiện nay, nước này không đủ dự trữ để trả toàn bộ nợ trong hai năm tới.
Phần lớn dự trữ của Venezuela là vàng. Một phần trong số này đã được chuyển đến Thụy Sĩ để giúp trả nợ. Tính đến tháng 5, Venezuela có 7,4 tỉ USD dự trữ bằng kim loại quý, song họ vừa gửi đi thêm vàng vào tháng 6, theo số liệu từ Thụy Sĩ.
“Có vẻ như Venezuela không thể trả hết nợ trong năm sau. So với năm nay, xác suất vỡ nợ là cao hơn nhiều trong năm sau”, nhà kinh tế về Mỹ La tinh Mauro Roca ở ngân hàng Goldman Sachs nói.
Đây là tình huống thảm khốc với quốc gia đang hưởng trữ lượng dầu mỏ được minh chứng lớn nhất thế giới. Giá dầu giảm đáng kể và Venezuela không kiếm đủ tiền từ việc bán dầu. Bất cứ khoản tiền nào Venezuela kiếm được từ dầu thô cũng là để thanh toán cho các chủ nợ như Trung Quốc, các bên sở hữu trái phiếu Venezuela, nhiều hãng khoan dầu và nhà xuất khẩu.
Ngay cả các hãng khoan dầu cũng bắt đầu giảm kinh doanh ở Venezuela. Đơn cử, hồi tháng 4, Schlumberger cho hay công ty sẽ giảm hoạt động tại nước này vì nhiều hóa đơn chưa thanh toán. Đây là lý do chính lý giải việc sản lượng dầu Venezuela chạm đáy 13 năm.
Theo Bank of America, lượng hàng nhập khẩu của Venezuela, gồm thực phẩm và thuốc men, 5 tháng đầu năm nay giảm từ 40% đến 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ Venezuela không đưa ra dữ liệu đáng tin cậy về nhập khẩu.
“Đây là mức cắt giảm đáng kể… họ đang nỗ lực lớn để trả nợ”, chuyên gia kinh tế Sebastian Rondeau tại Bank of America cho biết. Ông Rondeau ước tính Venezuela có thể thanh toán nợ đến tháng 4 năm sau. “Nửa cuối năm sau sẽ rất phức tạp”, ông Rondeau nói thêm.
Tuy nhiên vẫn có khả năng Venezuela vỡ nợ trong năm 2016. Giới chức nước này đang làm việc với các trái chủ của hãng dầu khí nhà nước PDVSA để trao đổi nợ ngắn hạn, vốn sẽ đến hạn thanh toán vào tháng 10 và tháng 11, với nợ dài hạn. Nếu các trái chủ không đồng ý, đây là vấn đề.
“Chúng tôi vẫn nghĩ rằng chính phủ rất có khả năng vỡ nợ trong hai năm tới, nếu không phải là sáu tháng tới”, chuyên gia Edward Glossop tại hãng nghiên cứu Capital Economics nhận định.
Trung Quốc có thể đến để giải cứu Venezuela. Đại lục được cho là đang đàm phán để kéo dài thêm một năm thời hạn trả nợ và Venezuela chỉ phải trả lãi. Từ năm 2007, Trung Quốc đã cho Venezuela vay 65 tỉ USD, Venezuela đang trả dần khoản tiền đó thông qua các lô hàng dầu thô.
Năm ngoái, Venezuela vận chuyển trung bình 579.000 thùng dầu/ngày qua Trung Quốc. Có dấu hiệu cho thấy Đại lục vừa nới lỏng, cho Venezuela cơ hội bán dầu kiếm một ít tiền.
Giới chuyên gia cho rằng bất cứ thỏa thuận nợ mới hay cứu trợ tạm thời nào từ Trung Quốc cũng sẽ là con đường thiếu bền vững cho Venezuela. “Điều này hệt như bạn hỏi rằng mình có thể cầm hơi được bao lâu ở dưới nước?”, chuyên gia Dallen nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.