Vụ siết nợ tại chung cư The Harmona: Chủ đầu tư cam kết trả nợ

30/05/2016 07:00 GMT+7

Ngày 29.5, các cư dân tại chung cư The Harmona (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã tiến hành đại hội chung cư bất thường để bàn một số vấn đề liên quan đến thông báo của Ngân hàng BIDV - chi nhánh Bắc Sài Gòn 'siết' nhà của cư dân liên quan đến khoản vay của Công ty CP vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình (Công ty Tân Bình).

Ông Bùi Hữu Thuận, Trưởng ban Quản trị chung cư The Harmona, cho biết sau khi nhận được thông báo của ngân hàng, cư dân rất lo lắng vì nếu chủ đầu tư không trả được khoản nợ, đến ngày 9.6 ngân hàng sẽ “siết” nợ, khi đó cư dân có nguy cơ ra đường ở. Một vấn đề nữa được cư dân quan tâm, là chủ đầu tư cam kết 15.6 giải quyết số nợ để lấy sổ đỏ ra để tiến hành làm sổ hồng cho cư dân xong vào cuối tháng 6.
Sẽ giải chấp sổ đỏ ra sổ hồng
Tại buổi làm việc, ông Vũ Tuấn Khanh, Phó tổng giám đốc Công ty Tân Bình, nói rằng ngày 25.5 trong biên bản làm việc hai bên thống nhất với nhau thì ngày 15.6 sẽ giải chấp sổ đỏ dự án ra làm sổ hồng cho bà con. Toàn bộ hồ sơ làm sổ hồng đã làm xong, chỉ cần lấy sổ đỏ ra thì Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ “chẻ” nhỏ để làm sổ hồng cho cư dân.
“Chúng tôi tính đến ngày 31.5 mới hoàn tất làm việc với ngân hàng và chuẩn bị tiền trả nợ, nhưng không hiểu sao trong quá trình làm việc thì Ngân hàng BIDV - chi nhánh Bắc Sài Gòn lại ra thông báo như vậy làm hoang mang cho cư dân và ảnh hưởng đến chủ đầu tư. Chúng tôi cam kết sẽ trả nợ và làm sổ hồng cho người dân đúng hẹn”, ông Khanh cam kết.
Không thể đuổi người dân ra đường
Ông Châu Văn La, Chủ tịch UBND Q.Tân Bình, khẳng định: “Chính quyền quận sẽ không đồng ý hỗ trợ Ngân hàng BIDV - chi nhánh Bắc Sài Gòn cưỡng chế, chúng tôi không chấp nhận cách làm việc như thế này. Ngân hàng còn rất xấc xược khi đề nghị địa phương hỗ trợ đuổi người dân khỏi chung cư, làm sao ủng hộ việc này được. Người dân không có lý do gì phải rời khỏi nhà của mình. Nếu trong trường hợp ngân hàng đến siết nợ, quận sẽ cử người có trách nhiệm làm việc...”. Ngoài ra, quận cũng đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM thông báo sự việc và yêu cầu chấn chỉnh hành vi làm dân hoang mang của ngân hàng trên...
Ngày 29.5, Công ty Tân Bình, cho biết đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM để báo cáo về tình hình quan hệ tín dụng giữa công ty này với Ngân hàng BIDV - chi nhánh Bắc Sài Gòn. Theo đó, công ty này cho biết vào tháng 12.2013 công ty có ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng BIDV - chi nhánh Bắc Sài Gòn để vay số tiền 327 tỉ đồng, thời hạn vay là 27 tháng để thực hiện dự án The Harmona. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại dự án. Hiện dư nợ của công ty tại ngân hàng còn 244 tỉ đồng. Theo biên bản làm việc giữa công ty với ngân hàng vào ngày 29.4 về việc tất toán khoản vay cho ngân hàng vào ngày 20.5. Tuy nhiên, vì lý do khách quan cho đến thời điểm 20.5, công ty chưa thu xếp được nguồn tài chính để tất toán cho ngân hàng. Do đó, công ty đã có công văn xin gia hạn đến ngày 15.6. Nhưng đến ngày 24.5, ngân hàng đã có thông báo về việc siết nợ đã làm ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống tại chung cư The Harmona hoang mang, gây mất an ninh trật tự tại chung cư.
“Quan hệ tín dụng giữa công ty chúng tôi và Ngân hàng BIDV - chi nhánh Bắc Sài Gòn rất tốt (trên 10 năm hợp tác với nhau) có thời điểm dư nợ của công ty chúng tôi tại đây hơn 1.200 tỉ đồng. Công ty cổ phần Thanh Niên (một trong các chủ đầu tư dự án Harmona - NV) đã luôn thanh toán nợ vay đến hạn rất sòng phẳng nhưng vì khó khăn nên rất mong được hỗ trợ gia hạn đến ngày 15.6. Công ty cam kết sẽ trả nợ và đảm bảo quyền lợi của cư dân”, một lãnh đạo Công ty cổ phần Thanh Niên cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Công ty Tân Bình, hiện đơn vị này đã nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ cho các căn hộ tại chung cư The Harmona, đến ngày 15.6 khi khoản nợ với ngân hàng được giải chấp xong, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành ngay việc làm sổ đỏ đúng như cam kết với người dân.

tin liên quan

Vụ siết nợ tại chung cư The Harmona: Không thể đuổi dân ra đường
Ngày 26.5, Công ty CP Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình (Công ty Tân Bình), chủ đầu tư dự án chung cư The Harmona (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã đạt được thỏa thuận bằng văn bản ký kết với Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn về việc giải chấp dự án chung cư The Harmona.
Ngân Hàng không có quyền siết nhà của cư dân
Trao đổi với báo giới, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM, cho rằng việc Công ty Tân Bình sử dụng tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (dự án chung cư Harmona) để bảo lãnh nợ vay ngân hàng. Nếu thế chấp thì ngân hàng phải phối hợp với Văn phòng đăng ký đất đai TP để xử lý nhưng ngân hàng lại không thực hiện việc này.
Tại chung cư The Harmona, ngân hàng chỉ được siết nợ phần sở hữu riêng của chủ đầu tư vì theo quy định của pháp luật về đất đai, khi thế chấp quyền sử dụng đất của khu đất thì đó là tài sản riêng của chủ đầu tư. Nhưng khu đất tiến hành xây dựng chung cư và căn hộ đầu tiên được bán thì quyền sử dụng đất của khu đất đó thuộc sở hữu chung. Cho nên thông báo trên của BIDV - Bắc Sài Gòn chỉ mang tính chất thông tin về thời hạn phải giải quyết, chỉ có ý nghĩa với chủ đầu tư. Cư dân đang ở chung cư không phải đi ra khỏi nhà khi ngân hàng siết nợ chủ đầu tư. Họ đã ký hợp đồng với chủ đầu tư và căn nhà là sở hữu của người dân. Pháp luật cũng quy định, khi người mua nhà bỏ tiền ra mua nhà thì căn nhà đó là sở hữu của họ. Nói về thông báo của Ngân hàng BIDV - chi nhánh Bắc Sài Gòn yêu cầu chủ đầu tư “phải bàn giao nguyên trạng tài sản bảo đảm như trước khi chưa có người vào sử dụng, cư trú trong chung cư”, theo ông Liên đó là cách hành xử vô trách nhiệm.

tin liên quan

Chủ đầu tư đem nhà của người dân đi cầm cố ngân hàng
Ngày 24.5, rất đông cư dân tại chung cư The Harmona (Q.Tân Bình, TP.HCM) do Công ty CP Thanh Niên làm chủ đầu tư đã kéo lên gặp chủ đầu tư để yêu cầu giải thích việc công ty này và Công ty CP Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình (công ty thành viên) đem nhà của người dân đi cầm cố tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Bắc Sài Gòn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.