Kính viễn vọng James Webb phát hiện nước trên sao chổi hiếm

16/05/2023 14:44 GMT+7

Lần đầu tiên, các nhà thiên văn học đã phát hiện nước trên một sao chổi xuất phát từ vành đai tiểu hành tinh nằm giữa quỹ đạo sao Hỏa và sao Mộc, nhờ vào kính viễn vọng không gian James Webb.

Kính viễn vọng James Webb phát hiện nước trên sao chổi hiếm - Ảnh 1.

Mô phỏng luồng khí tỏa ra từ sao chổi 238P/Read

NASA/ESA

Đây là khám phá đầu tiên sau 15 năm nỗ lực của giới thiên văn học, và mới đây chỉ thực hiện được sau khi kính James Webb được triển khai.

Kính James Webb phát hiện hơi nước xung quanh sao chổi 238P/Read, cho thấy băng nước có thể được duy trì ở phần ấm hơn của hệ mặt trời, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature.

Các sao chổi chủ yếu tồn tại ở vành đai Kuiper và đám mây Oort, chỉ những khu vực băng giá nằm ngoài quỹ đạo Hải Vương tinh và có thể bảo toàn một số dạng vật liệu còn sót lại trong quá trình hình thành hệ mặt trời. Những sao chổi này lên đường chu du hàng ngàn năm, thậm chí cả triệu năm để đến khu vực gần trái đất.

Tuy nhiên, một nhóm phụ của các sao chổi hiếm hơn, gọi là sao chổi vành đai chính, nằm ở khu vực của vành đai tiểu hành tinh với quỹ đạo hình tròn quanh mặt trời.

Kính viễn vọng James Webb phát hiện nước trên sao chổi hiếm - Ảnh 2.

Ảnh chụp sao chổi 238P/Read trong lúc di chuyển quanh mặt trời

NASA/ESA

Thay vì tỏa ra bụi băng như sao chổi ở xa hơn, nhóm sao chổi ở vành đai chính chủ yếu phóng thích bụi trong quá trình di chuyển. Do vị trí của chúng ở khu vực ấm hơn của hệ mặt trời, những sao chổi này được cho không thể duy trì đa số băng nước.

Thế nhưng, phát hiện mới cung cấp thêm chứng cứ về giả thuyết tại sao trái đất sở hữu nguồn tài nguyên nước dồi dào từ thời sơ khai. Theo đó, các tiểu hành tinh và sao chổi mang theo nước có lẽ đã đâm vào trái đất lúc còn non trẻ, cho phép địa cầu có nhiều nước như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.