Tên lửa đẩy Ariane 5 mang theo hai kính viễn vọng trên đã rời bệ phóng lúc 20 giờ 12 phút (giờ Việt Nam). Trong vòng 30 phút sau đó, hai kính viễn vọng đã tách thành công khỏi tên lửa Ariane 5. Herschel và Planck bay đi hai hướng khác nhau để đến các vị trí quan sát cách trái đất khoảng 1,5 triệu km, theo BBC. Để đến được trạm quan sát của mình, cả hai sẽ mất khoảng 2 đến 3 tháng. Herschel và Planck có nhiệm vụ nghiên cứu sự bức xạ từ hiện tượng Big Bang, nguồn gốc cũng như mọi chuyển biến của các ngôi sao và dải ngân hà. Toàn bộ chương trình này tiêu tốn của châu u hết khoảng 1,9 tỉ euro (tương đương 46.000 tỉ đồng VN). “Đây là kết quả sau khoảng 20 năm làm việc cật lực của hàng ngàn nhà khoa học và kỹ sư trên khắp châu u”, báo Telegraph dẫn lời ông Jean-Jacques Dordain - Tổng giám đốc Cơ quan Không gian châu u (ESA).
Theo ESA, Herschel là kính viễn vọng lớn nhất cho đến nay được đưa lên vũ trụ. Với đường kính là 3,5 mét, tấm gương phản chiếu chính của Herschel to gấp 1,5 lần so với gương phản chiếu chính của kính viễn vọng Hubble. Với kích cỡ lớn như vậy thì thông thường tấm gương phản chiếu sẽ rất nặng nhưng tấm gương của Herschel chỉ nặng 350 kg nhờ được chế tạo bằng silicon carbide, một loại vật liệu ceramic mới. Kính Herschel rất nhạy với tia hồng ngoại và các bước sóng ánh sáng nhỏ hơn mm nên nó có thể nhìn xuyên qua các đám mây bụi, khí để có thể thấy rõ các ngôi sao và dải ngân hà ngay thời điểm chúng vừa được hình thành.
Trong khi đó, Planck là kính viễn vọng khảo sát. Nó giúp vẽ ra bản đồ vũ trụ với dụng cụ hiện đại nhất để đo được ánh sáng có tên gọi là Cosmic Microwave Background (CMB). CMB là “ánh sáng già nhất” trong vũ trụ và hiện diện xung quanh ta từ cách đây hơn 13 tỉ năm, theo BBC. Planck sẽ có nhiệm vụ tìm hiểu nguồn gốc và sự tiến hóa của vũ trụ cũng như tìm kiếm các hạt cấu trúc hiện đại như ngân hà và các dải ngân hà.
C.Y
Bình luận (0)