Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang xúc động chia sẻ, trải qua 90 năm, hình ảnh những người tù chính trị tại ngục Kon Tum ngã xuống vì độc lập, tự do, lý tưởng cao đẹp vẫn sống mãi trong triệu triệu trái tim của bao thế hệ hôm nay.
Lễ kỷ niệm 90 năm cuộc đấu tranh lưu huyết tại nhà ngục Kon Tum |
Đức Nhật |
"Các thế hệ đi trước đã đổ máu trên mảnh đất này, góp phần giúp phong trào cách mạng tại Kon Tum hình thành và phát triển. Ngày nay, người dân được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, phải tự rèn luyện, noi gương các thế hệ cha ông; khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Kon Tum ngày càng giàu đẹp, để xứng đáng hơn nữa với sự hy sinh của lớp thế hệ cha ông đi trước", ông Trang nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm |
đức nhật |
Nhà ngục Kon Tum do thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1915 - 1917, là nơi giam giữ tù chính trị, được thành lập sớm nhất ở khu vực Tây nguyên, nhằm đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta. Từ năm 1929, thực dân Pháp đã bắt đầu đưa tù nhân chính trị từ nơi khác về giam giữ tại Nhà ngục Kon Tum.
Vào giai đoạn 1930 - 1931, thực dân Pháp đã đưa gần 300 người tù chính trị từ các tỉnh đồng bằng lên giam giữ tại Nhà ngục Kon Tum và bắt ra công trường thi công đường 14 (ở huyện Đăk Glei, Kon Tum). Đã có tới 150 người tù chính trị chết thảm, những người sống sót chỉ còn da bọc xương, bệnh tật đầy người.
Ngày 12.12.1931, khi thực dân Pháp chuẩn bị đưa một số tù chính trị còn lại lên xã Đăk Pek (huyện Đăk Glei) làm đường 14, thì các chiến sĩ tù chính trị đã đóng chặt cửa, hô vang khẩu hiệu “phản đối đi làm đường”, “phản đối chế độ thực dân cai trị”.
Trước sự phản đối quyết liệt, thực dân Pháp đã điên cuồng nã súng tàn sát tù nhân, làm 8 người hy sinh và 8 người khác bị thương. Đến ngày 16.12.1931, thực dân Pháp tiếp tục nã súng tàn sát cuộc đấu tranh tuyệt thực, làm 7 người hy sinh và 8 người khác bị thương.
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum thắp hương, dâng hoa tại lễ tưởng niệm |
đức nhật |
Cuộc đấu tranh lưu huyết và tuyệt thực của các chiến sĩ cộng sản tại Nhà ngục Kon Tum đã gây tiếng vang lớn trong dư luận thế giới về quyền tự do công lý và nhân phẩm con người. Từ đó, buộc thực dân Pháp phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc, chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của các tù chính trị đưa ra, từ bỏ việc xây dựng đường 14.
Đến năm 1934, thực dân Pháp phải giải tán Nhà ngục Kon Tum. Từ đó, các thế hệ cán bộ, đảng viên, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã đứng lên đấu tranh giành nhiều thắng lợi như chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, chiến thắng Đăk Pek, Măng Bút, chiến thắng Măng Đen...
Trong dịp kỷ niệm này, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng; dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc đấu tranh lưu huyết và tham quan phòng trưng bày hiện vật Khu di tích lịch sử ngục Kon Tum.
Bình luận (0)