Kon Tum: Lại có doanh nghiệp công bố vườn sâm Ngọc Linh 'ảo'?

04/01/2023 15:16 GMT+7

Doanh nghiệp công bố rằng đã liên kết với các hộ dân để trồng sâm Ngọc Linh nhưng khi chính quyền địa phương xác minh thì không có hộ dân nào liên kết với doanh nghiệp này để trồng sâm.

Kiểm điểm một Phó chủ tịch UBND huyện vì ký xác nhận trồng sâm cho một công ty

Ngày 4.1.2023, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết đã kiểm điểm một Phó chủ tịch UBND huyện này vì ký giấy xác nhận (về việc sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh...) cho Công ty CP rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum (ở xã Ngọc Lây, H.Tu Mơ Rông).

Trước đó, vào ngày 30.5.2022, Công ty CP rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum có văn bản xin xác nhận đơn vị này đã và đang sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn H.Tu Mơ Rông. Sau đó, một Phó chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông đã ký xác nhận văn bản trên.

Tuy nhiên, qua làm việc, UBND H.Tu Mơ Rông xác định văn bản xác nhận này có nội dung chưa phù hợp với thực tế, quy trình xử lý chưa đảm bảo. Do đó UBND H.Tu Mơ Rông đã hủy bỏ giấy xác nhận. Đồng thời đề nghị cá nhân ký xác nhận cho Công ty CP rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum báo cáo giải trình và kiểm điểm trách nhiệm.

Công ty chỉ thuê 2 người dân nuôi cấy mô thí điểm, không liên kết trồng sâm

Theo ông Võ Trung Mạnh, công ty trên chỉ đang trồng nuôi cấy mô thí điểm. UBND tỉnh Kon Tum vừa cho chủ trương đưa nuôi cấy mô ra ngoài tự nhiên vào tháng 10.2022, việc xác nhận khai thác cho công ty này là chưa chính xác.

Ông Mạnh cũng khẳng định trên địa bàn huyện, Công ty CP rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum chỉ hợp đồng thuê 2 người dân phục vụ việc nuôi cấy mô thí điểm với giá 6 triệu đồng/tháng chứ không hề liên kết trồng sâm Ngọc Linh với các hộ dân.

Sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia vào năm 2017

ĐỨC NHẬT

Theo ông Nguyễn Duy Thái, Phó giám đốc Công ty CP rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum, công ty đã liên kết với nhiều hộ dân trồng sâm ở H.Tu Mơ Rông. Cụ thể, công ty liên kết cùng 10 hộ trồng sâm tại xã Ngọc Lây với diện tích 5 - 10 ha mỗi hộ; ở xã Măng Ri, công ty liên kết cùng 3 hộ với hơn 10 ha; tại xã Tê Xăng, công ty này đang liên kết với 2 hộ dân.

Trước thông tin trên, ông Võ Trung Mạnh khẳng định số liệu này là không trung thực. Toàn huyện, người dân hiện đang trồng khoảng 60 ha sâm Ngọc Linh. Năm 2022, H.Tu Mơ Rông trồng mới được hơn 14 ha, năm 2021 trồng được 8 ha. Đặc biệt, tại xã Măng Ri người dân không liên kết trồng sâm Ngọc Linh với Công ty CP rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Trước đó, tại Kon Tum cũng từng xảy ra tình trạng doanh nghiệp công bố vườn sâm Ngọc Linh "ảo". Cụ thể vào cuối tháng 11.2021, Công ty CP đầu tư sâm Việt Nam khai trương trụ sở ở TP.Kon Tum và giới thiệu nhiều sản phẩm có thành phần sâm Ngọc Linh. Đại diện công ty này còn công bố đang sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh, trong đó 2 ha trồng tại xã Mường Hoong (H.Đắk Glei) và 8 ha tại xã Ngọc Yêu (H.Tu Mơ Rông).

Tuy nhiên sau đó, các cơ quan chức năng xác định Công ty CP đầu tư sâm Việt Nam không sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh tại 2 H.Đăk Glei và Tu Mơ Rông (Kon Tum) như đã công bố.

Sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia vào năm 2017; được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm củ ở 16 xã thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.