Quý hiếm là vậy, nhưng thử thách đặt ra ngày càng lớn: Làm sao chống được nạn sâm giả và tiến đến xuất khẩu ra thị trường thế giới?
“Cây thuốc giấu” trên núi cao
Trước khi có sự phát hiện từ phía các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh đã được người Xê Đăng sử dụng như một “cây thuốc giấu” (hiểu nôm na là cây thuốc quý và được giữ gìn kỹ lưỡng để sử dụng khi cần), chữa nhiều loại bệnh theo các phương thuốc cổ truyền.
Ông A Bủa (70 tuổi, ở thôn Pu Tá, xã Măng Ri, H.Tu Mơ Rông) cho biết cây sâm Ngọc Linh chỉ sống ở lưng chừng các ngọn núi trên dãy Ngọc Linh, nơi thường xuyên có mây mù bao phủ. Trước đây người Xê Đăng sống dưới chân núi Ngọc Linh chỉ xem cây sâm như một phương thuốc giấu. Những lúc đau ốm nặng, bị rắn cắn và cả các bệnh thông thường như đau bụng, dân làng thường lấy củ sâm ra ngậm. Sâm có vị đắng, mùi thơm, tuy nhiên sau khi dùng thì ai nấy đều khỏi bệnh và cảm thấy khỏe khoắn. Lúc bấy giờ cũng chưa ai biết đó là cây sâm như ngày nay.
Một vườn sâm của người dân xã Trà Linh, H.Nam Trà My |
MẠNH CƯỜNG |
Năm 1970, khi đang là giảng viên Trường ĐH Dược Hà Nội, dược sĩ Đào Kim Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu dược liệu và kiểm nghiệm Khu 5) nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam tìm cây thuốc cho dân và bộ đội. Năm 1971, dược sĩ Long cùng 13 đồng nghiệp, trong đó có 9 sinh viên mới ra trường, bắt đầu hành trình đi tìm thuốc. Đoàn công tác nhận nhiệm vụ, đi bộ từ Hòa Bình và phải mất 6 tháng mới đến Kon Tum.
Năm 1972, thời điểm chiến tranh diễn ra ác liệt, Ban Dân y Khu 5 đặt ra nhiệm vụ tìm cây thuốc để bồi bổ cho bộ đội. Nắm được thông tin “cây thuốc giấu” của người dân bản địa có tác dụng tăng cường sức khỏe, ban này đã cử đoàn dược sĩ đi tìm. Từ đây, đoàn công tác bắt đầu hành trình ngược núi Ngọc Linh tìm cây thuốc quý.
“Đúng 9 giờ sáng 19.3.1973, cả đoàn đã tìm thấy loài cây này mọc thành quần thể ở độ cao 1.800 m so với mực nước biển trên dãy núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum. Đoàn đã gọi đó là cây “Sâm đốt trúc” và sơ bộ xác định tên khoa học của nó là Panax articulatus L., họ nhân sâm”, dược sĩ Đào Kim Long nhớ lại.
Sau một thời gian ngắn nghiên cứu, dược sĩ Đào Kim Long đã xác định núi Ngọc Linh là quê hương của cây sâm mới, đặc biệt quý hiếm, chưa từng xuất hiện tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Sau khi sâm được phát hiện, Khu ủy Khu 5 đã chỉ đạo Ban Dân y bí mật bảo vệ và khai thác, giao cho Xưởng dược Trung Trung bộ chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; đồng thời gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu Hà Nội nghiên cứu.
Theo kết quả nghiên cứu, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 52 hợp chất saponin, trong đó phát hiện 26 hợp chất saponin có cấu trúc mới chưa từng xuất hiện trong các loại sâm khác. Ngoài ra sâm Ngọc Linh còn chứa các polyacetilen, axit béo, axit amin, gluxit, tinh dầu và cả các yếu tố vi lượng.
“Trước khi có những nghiên cứu kỹ lưỡng về tác dụng đối với sức khỏe của sâm Ngọc Linh, sâm đã được người Xê Đăng dùng như một loại thuốc trong những bài thuốc cổ truyền cầm máu, lành vết thương, làm thuốc bổ, trị sốt rét, đau bụng. Sau này, khi được nghiên cứu kỹ lưỡng, sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ô xy hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan”, dược sĩ Đào Kim Long nói.
Một người dân Kon Tum đang chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh của mình |
ĐỨC NHẬT |
Thời điểm 1974, để bảo vệ giống sâm quý trong bối cảnh nhiều đoàn đến vùng núi Ngọc Linh tìm cây thuốc bổ, Khu ủy Khu 5 đã khoanh vùng bảo vệ, đồng thời đổi tên, không gọi cây sâm vì sẽ bị khai thác hết mà gọi là “Cây có đốt”. Ngoài ra, đơn vị cũng đổi công dụng đối với cây sâm khi giao dịch là làm “thuốc ngủ”, vì nếu để làm “thuốc bổ” thì sẽ bị khai thác hết ngay.
Cũng từ đây, giống cây quý được sử dụng nhiều hơn cho cán bộ, thương bệnh binh trong kháng chiến chống Mỹ ở Khu 5, cho kết quả rất tốt trong điều trị và được tín nhiệm rất cao.
Xứng danh quốc bảo
Từ “cây thuốc giấu” của đồng bào Xê Đăng, sâm Ngọc Linh bây giờ đã trở thành quốc bảo, một trong số hiếm hoi sản vật quý hiếm bậc nhất của địa phương miền núi 2 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Xứ sở Nam Trà My (Quảng Nam) đã trở nên quá quen thuộc với sâm Ngọc Linh, sâm ở đây giờ đã trở thành sản phẩm quốc gia. Nhưng chính người trồng sâm lâu năm cũng không ngờ có một ngày mình lại có thể giàu nhờ giống cây do mẹ rừng ban tặng.
Đỉnh núi Ngọc Linh thuộc địa phận H.Nam Trà My (Quảng Nam) nơi được xem là thủ phủ sâm Ngọc Linh |
MẠNH CƯỜNG |
Chừng hơn 10 năm trước, lá sâm Ngọc Linh vẫn còn là một thứ rất bình thường. Vậy mà ngoảnh lại, khi giá sâm Ngọc Linh tăng chóng mặt, đống lá ngày nào “không biết làm gì” nay đã có giá hơn 10 triệu đồng mỗi ký lá tươi. Lá khô càng đắt, lên tới 35 - 40 triệu đồng/kg mà chẳng có để mua. Còn giá sâm củ thì đúng là một tấc lên trời, cao ngất ngưởng. Vậy là tiền thi nhau đổ về, người dân xã Trà Linh (H.Nam Trà My, Quảng Nam) đổi đời từ đó. Và rồi, một ngôi làng tỉ phú đã xuất hiện trên đỉnh Ngọc Linh (xã Trà Linh, H.Nam Trà My), với hàng chục “đại gia” sở hữu những vườn sâm giá trị. Đường ô tô dẫn vào tận ngõ, nhà cao tầng mọc san sát...
Già Hồ Văn Du (ở thôn 1, xã Trà Linh) được biết đến là một trong những “đại gia” khi sở hữu trong tay vườn sâm Ngọc Linh hàng chục héc ta. Theo già Du, Trà Linh trước đây là xã khó khăn nhất cả vùng núi nam Trà My. Đa số đồng bào Xê Đăng sống chủ yếu dựa vào việc phát nương, làm rẫy. Rừng già cứ thế bị thu hẹp dần. Tập quán du canh du cư của họ càng khiến rừng bị xâm hại.
Tuy nhiên, từ khi cây sâm Ngọc Linh được nâng tầm về thương hiệu lẫn giá trị, đồng bào nhận ra chân giá trị từ rừng già và nghĩ cách bảo vệ. Vì còn rừng mới có sâm Ngọc Linh, bởi đặc điểm cây sâm này là sống dưới những tán rừng cổ thụ, nơi có độ che phủ trên 80% và nhiệt độ ở mức dưới 20 độ C. “Cây sâm Ngọc Linh có được cũng nhờ mẹ rừng ban tặng. Cây sâm đã hoàn toàn làm thay đổi cuộc sống của bà con nơi đây. Bảo vệ rừng cũng là bảo vệ chính cuộc sống của mình. Nhiều người dân chúng tôi đang tìm mọi cách để trồng thêm rừng nhằm “trả nợ” với mẹ rừng”, già Du tâm sự.
(còn tiếp)
Kỳ vọng vào một “thời đại mới”
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định chất lượng sâm Ngọc Linh giờ đây không ai bàn cãi nữa, và chính nhờ sâm mà nhiều hộ dân ở H.Nam Trà My thành tỉ phú.
“Hiện nay, sâm Ngọc Linh không chỉ được trồng tại xã Trà Linh mà đã được quy hoạch, mở rộng diện tích trồng ở nhiều thôn, xã ở Nam Trà My. Đồng thời, bước đầu thử nghiệm di thực đến một số huyện có khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng như Tây Giang, Phước Sơn, Nam Giang… Vì vậy, chúng tôi rất kỳ vọng vào một “thời đại mới” của sâm Ngọc Linh”, ông Bửu nói.
Theo ông Bửu, từ giá trị mà sâm Ngọc Linh mang lại, người dân ở Nam Trà My đã thay đổi nhận thức rõ rệt về việc giữ rừng, tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để trồng sâm, làm giàu chính đáng. Việc trồng sâm góp phần cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và giảm nghèo nhanh chóng. Đây cũng là lợi thế trong thu hút du lịch, trên hành trình đưa Nam Trà My trở thành điểm du lịch sinh thái độc đáo, xứng tầm với thương hiệu quốc bảo của Việt Nam.
Bình luận (0)