Kon Tum và Quảng Nam vẫn chưa có tiếng nói chung về vùng chồng lấn địa giới

19/08/2022 08:55 GMT+7

Nhiều năm qua, hàng nghìn người dân tỉnh Quảng Nam đã và đang sinh sống, canh tác trên địa bàn Kon Tum. Việc chồng lấn địa giới gây khó khăn cho cả 2 tỉnh trong đầu tư phát triển hạ tầng, phục vụ dân sinh.

Chiều 18.8, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Nam về việc chồng lấn địa giới hành chính giữa 2 tỉnh.

Làng Quảng Nam ở Kon Tum

Sau nhiều lần thành lập, chia tách các đơn vị hành chính, tại Kon Tum và Quảng Nam xuất hiện sự chồng lấn địa giới. Đặc biệt hiện có 238 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu thuộc thôn 3 của xã Trà Vinh, H.Nam Trà My (Quảng Nam) đang sinh sống, canh tác trên địa bàn xã Đăk Nên, H.Kon Plông (Kon Tum). Hiện trạng này gây khó khăn cho cả 2 tỉnh trong việc quản lý dân cư, đầu tư phát triển hạ tầng, phục vụ dân sinh.

Thôn 3, xã Trà Vinh, H.Nam Trà My - vùng chồng lấn giữa Quảng Nam và Kon Tum

Trần Hóa

Những năm qua, 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã có nhiều cuộc làm việc nhưng chưa thống nhất phương án giải quyết vướng mắc về địa giới hành chính.

Hiện giữa xã Trà Vinh và xã Đắk Nên còn một số vướng mắc về địa giới hành chính. Đường địa giới hành chính không trùng khớp với thực tế quản lý, canh tác, sinh sống tại địa phương. Tổng diện tích khu vực chồng lấn gần 6.200 ha đất tự nhiên, với chiều dài toàn tuyến vướng mắc trên 10 km. Cuộc sống của hàng trăm hộ dân khu vực này đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Công Tạ, Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh cho biết người dân trong vùng chồng lấn mong muốn được ở lại làm ăn, sinh sống trên mảnh đất của cha ông.

Theo ông Tạ, cự ly từ địa bàn họ ở về các đơn vị hành chính tỉnh Kon Tum xa gấp 3 - 4 lần so với về Quảng Nam. Tiếp đến, người dân vùng chồng lấn đã có mối quan hệ với người dân tại xã Trà Vinh từ bao đời nay. Trong khi đó, họ không có mối quan hệ thân quen với người dân tại xã Đăk Nên. Do đó người dân mong muốn được giữ nguyên hộ khẩu ở Quảng Nam.

“Làm gì thì làm vẫn phải tôn trọng ý kiến người dân. Mong rằng lãnh đạo 2 tỉnh có phương án đề xuất với Trung ương sớm giải quyết để người dân không bị thiệt thòi”, ông Tạ nói.

Lãnh đạo 2 tỉnh Kon Tum - Quảng Nam họp bàn về các vấn đề ở vùng chồng lấn

đức nhật

Tại buổi họp, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho hay, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo chính quyền địa phương, lấy ý kiến nhân dân. 100% người dân ở vùng chồng lấn nói trên có mong muốn giữ nguyên hộ khẩu tại Quảng Nam và kiến nghị được ở lại trên mảnh đất của cha ông.

Trước đó, để giải quyết vướng mắc trên, Bộ Nội vụ đã có 4 văn bản hướng dẫn UBND 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum phối hợp giải quyết về địa giới hành chính khu vực giáp ranh tại thôn 3 xã Trà Vinh với xã Đắk Nên.

Trong đó, có nội dung yêu cầu thống nhất đánh giá 4 tính chất, gồm: Tính đầy đủ, tính chính xác, tính thống nhất và tính pháp lý của hồ sơ, bản đồ địa giới đã lập theo Chỉ thị số 364; kết quả báo cáo về Bộ Nội vụ để có hướng xử lý.

Chưa có sự đồng thuận

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định, việc thiếu quan tâm, đầu tư khiến người dân thiệt thòi. Trách nhiệm có phần thuộc về cơ quan nhà nước. Hiện tại, dân ở đâu thì nên ở đó.

“Nếu 2 địa phương không giải quyết được, thì đề nghị Bộ Nội vụ và các ban ngành đi kiểm tra thực tế, lấy ý kiến dân để có hướng giải quyết cụ thể”, ông Thanh nói.

Tuy nhiên khi “trả” người dân về địa giới tỉnh Quảng Nam, có một số vấn đề đặt ra. Cụ thể, người dân xã Trà Vinh đã canh tác, sinh sống trên địa bàn xã Đăk Nên từ lâu với diện tích đất nông nghiệp hơn 3.000 ha. Khi người dân được “trả” về với tỉnh Quảng Nam thì diện tích đất này cũng phải giải quyết.

Ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch UBND xã Đắk Nên (H.Kon Plông, Kon Tum), cho rằng việc chuyển hơn 3.000 ha đất của xã Đắk Nên về xã Trà Vinh (Quảng Nam) là không thể. Bởi, theo Chỉ thị 364, địa giới hành chính đã được xác định năm 1991 nên không thể chuyển. Mặt khác, khu đất này vẫn có người dân của xã Đắk Nên đang canh tác. Đất này cũng là khu đất rất bằng phẳng, màu mỡ của xã. Do vậy, nếu chuyển phải xin ý kiến của người dân địa phương.

Từ đó lãnh đạo tỉnh Kon Tum đề nghị được hoán đổi diện tích đất tương đương. Cụ thể nếu Kon Tum giao diện tích đất người dân đang canh tác cho tỉnh Quảng Nam thì Quảng Nam phải giao lại diện tích đất tương đương ở 1 vị trí khác giáp ranh giữa 2 tỉnh.

Tuy nhiên tại cuộc họp, 2 địa phương vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Nói về vướng mắc trên, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho hay, quan điểm của tỉnh là sớm có phương án thống nhất, mục đích tạo thuận lợi cho người dân.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum mong sớm có phương án thống nhất, tạo thuận lợi cho người dân.

đức nhật

Theo ông Tuấn, nếu người dân thôn 3, xã Trà Vinh đồng ý về xã Đắk Nên (Kon Tum) thì tỉnh sẵn sàng đón nhận, tạo điều kiện xây dựng hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Còn việc điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến địa phương. Trước mắt, giao cho cơ quan chức năng 2 tỉnh khảo sát thực tế đất đai và nguyện vọng của người dân để có đề xuất, phân chia hợp lý.

Dù tại cuộc họp, 2 tỉnh đã thẳng thắn trao đổi nhưng 2 bên vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Tỉnh Quảng Nam muốn giữ người dân và nhận luôn hơn 3.000 ha đất. Tỉnh Kon Tum muốn giữ đất, nếu người dân muốn sáp nhập vào tỉnh cũng sẵn sàng đón nhận. Sự việc vẫn chưa có hồi kết khiến hơn 1.000 nhân khẩu tại thôn 3 vẫn sống khổ, thiếu đầu tư hạ tầng và các chính sách của nhà nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.