Kon Tum: Yêu cầu kiểm điểm chủ đầu tư dự án nâng cấp đập Đăk Cấm

17/04/2022 16:45 GMT+7

UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến dự án sửa chữa nâng cấp đập Đăk Cấm.

Ngày 17.4, UBND tỉnh Kon Tum cho biết vừa yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến dự án sửa chữa nâng cấp đập Đăk Cấm.

Đập Đăk Cấm nhìn từ trên cao

ĐỨC NHẬT

Theo đó, cơ quan này bị yêu cầu kiểm điểm vì trong quá trình rà soát, đánh giá hiện trạng và đề xuất quy mô đầu tư Dự án sửa chữa nâng cấp đập Đăk Cấm (ở TP.Kon Tum) chưa sát với thực tế dẫn đến phải trình cấp thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, làm phát sinh thủ tục và kéo dài thời gian đầu tư thực hiện dự án.

Qua tìm hiểu, ngày 12.3.2021, HĐND tỉnh Kon Tum đã ban hành nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa nâng cấp đập Đăk Cấm. Dự án sẽ cấp nước tưới cho 250 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 30.000 người dân khu vực đô thị phía bắc TP.Kon Tum và bổ sung nước cho hệ thống cấp nước thành phố. Đây là dự án nhóm B, có tổng mức đầu tư khoảng 299 tỉ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách Trung ương (269 tỉ đồng) và các nguồn vốn hợp pháp khác (30 tỉ đồng). Thời gian thực hiện dự án là 4 năm.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Kon Tum cho biết đã có báo cáo giải trình gửi UBND tỉnh. Tuy nhiên theo ông Tuấn, việc ra văn bản yêu cầu kiểm điểm của UBND tỉnh có sự hiểu lầm, vì Ban chỉ mới được giao triển khai thực hiện dự án có vài tháng.

Cụ thể, từ năm 2014, UBND tỉnh Kon Tum giao cho Công ty Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh đề xuất chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa nâng cấp đập Đăk Cấm. Đến năm 2021, sau khi HĐND tỉnh Kon Tum có nghị quyết thì lại giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh đề xuất chủ trương đầu tư.

“Trước đây vì không có kinh phí khảo sát nên bộ phận khảo sát chỉ nhìn bằng mắt thường rồi đưa ra phương án làm đập đất. Nhưng thực ra bên dưới chân đập cũ là đá, nếu làm đập đất thì phải đào hết đá đi. Vì giữa 2 lớp đất đá không liên kết được với nhau dễ dẫn đến trượt, lở. Từ chỗ đó nên kinh phí tăng lên 45 tỉ đồng”, ông Tuấn giải thích.

Cũng theo ông Tuấn, bộ phận khảo sát cũng chủ quan khi không phát hiện một con đường trong lòng hồ. Sau khi tích nước con đường sẽ phải dời đi khu vực khác, số tiền đền bù sẽ tăng thêm khoảng vài chục tỉ đồng.

"Chúng tôi đang xin chủ trương điều chỉnh dự án sau đó mới đi khảo sát cụ thể. Nếu dự án điều chỉnh thành đập bê tông quy mô nhỏ, không ngập con đường, thì chi phí xây dựng sẽ thấp hơn", ông Tuấn cho biết thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.